Kỹ thuật trồng mắc ca (tiêu chuẩn)

Phần 3: Kỹ thuật trồng mắc ca

3.1 Khoảng cách mật độ trồng và các phương pháp bố trí trồng xen các dòng mắc ca

Khoảng cách và mật độ trồng: trên mỗi băng cây cách cây 4-4,2m, khoảng cách 2 hàng cây liên tiếp trên mỗi băng là 6m (4-4,2m x 6m).Tương đương mật độ 400-416 cây/ha (xét trên lý thuyết với hệ số trồng tối ưu k = 1).

Phương pháp bố trí trồng xen các dòng mắc ca: Tùy diện tích mỗi phân khu mà ta lựa chọn số lượng các dòng mắc ca trồng xen với nhau. Diện tích trồng càng lớn thì số lượng dòng mắc ca lựa chọn trồng xen càng tăng và ngược lại.

Lợi ích của việc trồng xen các dòng mắc ca với nhau:

+ Tạo sự đa dạng sinh học trong quần thể, hạn chế thoái hóa giống.

+ Do mỗi dòng có nguồn gốc gen khác nhau nên sẽ tạo ra sự lai xa giữa các dòng do đó về lâu dài sẽ tạo ra ưu thế lai qua đó cho năng suất chất lượng quả tốt hơn qua từng năm.

+ Trồng xen làm tăng tỷ lệ thụ phấn chéo giữa các dòng qua đó nâng cao tỷ lệ đậu quả, hạn chế rụng quả sinh lý, duy trì sự phát triển ổn định sinh trưởng sinh thực của các dòng mắc ca.

Phương pháp bố trí trồng xen các dòng mắc ca trên cùng một phân khu diện tích: tỷ lệ 2-1-3 hoặc 2-2-1-4 hoặc 2-2-1-5,...

3.2 Kỹ thuật đào hố, bón phân lót trước khi trồng

Băng trồng và đường đồng mức: Trên đất dốc, cần phải thiết kế băng trồng sao cho cân đối hợp lý, tạo thành các đường đồng mức thuận lợi cho quá trình trồng và chăm sóc. Khi cắt băng cần phải ổn định kết cấu đất, hạn chế xói hoặc sạt lở băng (không nên sử dụng đất mượn phần mép ngoài băng quá nhiều), chiều rộng mỗi băng 3 – 3,2m, lưu ý không nên để phần taluy dương có độ dốc quá lớn.

Đào hố: trước khi trồng 20-40 ngày tiến hành đào hố và bón phân lót, đào hố với kích thước rộng 60-80cm, sâu 50-60cm (đất cát, đất có thành phần cơ giới nhẹ không nên đào quá sâu).

Định mức phân bón lót cho mỗi hố trồng:

Tùy điều kiện thực tế, tính chất lý hóa sinh của đất mà ta sử dụng một trong các công thức bón phân sau:

Công thức 1: Mỗi hố sử dụng 25-30kg phân hữu cơ hoai mục trộn đều với 35-40cm đất mặt phía trên hố, phía dưới trộn đều đất đáy hố với vôi bột (nếu pH đất quá thấp). Quá trình trộn phân hữu cơ với đất cần trộn đều và phủ kín phân, không để phân hữu cơ lộ thiên trên mặt (Sau lấp hố, để ít nhất 20-25 ngày mới trồng).

Công thức 2: Mỗi hố sử dụng 10-15kg phân hữu cơ hoai mục kết hợp 1,5kg phân gà Nhật hoặc phân hữu cơ cá hồi Nauy dạng viên nén. Hỗn hợp phân hữu cơ và phân gà Nhật cần trộn đều với đất như công thức 1 (sau khi lấp hố, để ít nhất 15-20 ngày mới trồng).

Công thức 3: Mỗi hố, sử dụng 3-4kg phân gà Nhật hoặc phân cá hồi Nauy. Phân được trộn đều với 25-30cm lớp đất mặt. Lưu ý khi sử dụng phân dạng này cần duy trì độ ẩm đất thường xuyên, định kỳ, không để cây thiếu nước. Ưu điểm công thức 3 là sau khi lấp hố có thể triển khai trồng ngay sau 7-10 ngày, không cần đợi quá lâu so với công thức sử dụng phân hữu cơ ủ (20-25 ngày mới trồng).

Lưu ý chung trong quá trình bón phân, lấp hố:

+ Khi lấp hố, trộn phân nên tạo thành mô nổi cao hơn so với đất mặt xung quanh 10-15cm, rộng 50-60cm, sau đó cắm cọc giữa tâm hố, để ít nhất 15-25 ngày mới tiến hành trồng (để càng lâu càng tốt, tuy nhiên không quá 2 tháng).

+ Phân hữu cơ dùng bón lót phải được ủ hoai mục, phân khô, không bị ướt và không nặng mùi. Nếu phân chưa hoai mục, phân tươi, còn nặng mùi sẽ tạo nguy cơ gây thối rễ, nghẹt rễ, đồng thời có thể thu hút côn trùng, kiến, sùng đất...

3.3 Giải pháp chống sụt lún cây mắc ca sau trồng trên đất có thành phần cơ giới nhẹ (đất có tỷ lệ cát cao)

Hiện tượng sụt lún cây sau trồng phụ thuộc vào chất đất (tính chất lý hóa sinh của đất), sụt lún cây ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây, ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của bộ rễ. Đối với đất cát, đất có thành phần cơ giới nhẹ, hiện tượng lún sau trồng có thể lên tới 10-20cm. Do đó để hạn chế tình trạng sụt lún bầu cây sau trồng chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất: Với đất cát, đất có thành phần cơ giới nhẹ nên đào hố nông (40-50cm), tránh đào hố quá sâu.

Thứ hai: Nên đào hố, chuẩn bị hố 30-40 ngày trước khi trồng. Khi lấp hố nên tạo mô nổi cao hơn so với đất mặt xung quanh 15-20cm (mô nổi cao hay thấp tùy tính chất đất). Sau đó để 20-30 ngày mới tiến hành trồng. Khi trồng cần đặt bầu cao hơn một chút so với đất mặt xung quanh, đồng thời nén chặt đất xung quanh bầu cây, tuy nhiên không tác động trực tiếp lực ép nén vào bầu cây, tránh vỡ hoặc biến dạng bầu cây.

Thứ ba: Nếu tầng đất phía dưới có kết cấu mịn, tỷ lệ đất thịt cao có thể chuyển đất phía dưới đẩy lên phía trên mặt trước khi lấp hố trồng cây.

Thứ tư: Sau khi trồng cây, cần sử dụng các biện pháp tưới thúc rễ, giúp bộ rễ phát triển cân đối, khỏe mạnh ngay giai đoạn sau trồng, chống bó rễ, nghẹt rễ. Qua đó ổn định kết cấu đất xung quanh bầu cây, hạn chế tụt bầu cây.

3.4 Kỹ thuật trồng mắc ca

Bước 1: xác định vị trí đặt bầu cây

Tại tâm hố(vị trí cắm cọc trước đó), dùng cuốc đào một hố nhỏ có kích thước lớn hơn bầu cây (rộng 30-40cm, sâu 25-30cm).

Bước 2: loại bỏ túi bầu và đặt bầu cây vào tâm hố đã đào ở bước 1

Sử dụng dao sắc cắt đáy túi bầu với vết cắt ngọt và gọn đồng thời tiến hành rạch nhẹ nhàng theo chiều dọc bầu cây để loại bỏ túi bầu trước khi đặt cây giống vào hố trồng. Khi trồng nên đặt bầu cây sao cho mặt bầu (cổ rễ) cao hơn so với đất mặt xung quanh từ 3-4cm, chú ý đặt bầu cây nhẹ nhàng và vuông góc với mặt đất, tránh làm vỡ bầu. Mắc ca có bộ rễ tơ, rễ mặt phát triển tập trung chủ yếu ở tầng đất 2-25cm do đó không nên đặt bầu cây quá sâu, có thể gây nghẹt rễ trong điều kiện yếm khí, khiến cho cây còi cọc chậm phát triển, hiệu suất sử dụng phân bón thấp. Việc đặt bầu cây cao, trồng nổi giúp bộ rễ phát triển thuận lợi tuy nhiên cần phải chủ động khâu duy trì độ ẩm đất, tưới nước định kỳ cho cây sau khi trồng. Lưu ý đối với đất có thành phần cơ giới nhẹ (tỷ lệ đất cát cao), không nên đặt bầu cây quá sâu, chống lún sụt – tụt bầu cây sau trồng. 

Bước 3: lấp đất phủ kín bầu cây, ổn định bầu cây

Sau khi đặt bầu cây đúng yêu cầu kỹ thuật(bước 2), dùng đất mặt xung quanh phủ kín bầu cây, không để hở cổ rễ. Để giữ cây ổn định cần phải dùng tay hoặc chân nén chặt đất xung quanh bầu, tuy nhiên không tác động lực trực tiếp lên bầu cây, tránh làm vỡ hoặc biến dạng bầu cây. Tiếp theo dùng cuốc cào đất mặt xung quanh hướng vào bầu cây, tạo 1 vòng tròn nổi nhô cao hơn so với mặt đất xung quanh 5-10cm, đường kính 60cm (mục đích khi tưới nước hoặc mưa tránh bị úng nước, gây thối rễ, lở cổ rễ và hở bầu).

Bước 4: Cắm cọc ổn định thân trên của cây, chống nghiêng cây, ổn định cổ rễ, hạn chế tình trạng nong cổ rễ.

Phần tiếp theo:"Kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trị sâu bệnh cho mắc ca sau trồng". Click vào link sau đây:

https://nanobacsuper.com/ky-thuat-cham-soc-bon-phan-cho-mac-ca-sau-khi-trong

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO NANOTECH

Tư vấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp:

ThS Phạm Công Khải - Hotline: 0976 804 678 * 0835 99 85 99

Email: nanobacsuper@gmail.com