Giải pháp phòng trị kiến, mối và sùng đất trên cây mắc ca (Phần 1)

Phần 1: Sâu hại mắc ca (tổng hợp)

1.1 Đặc điểm phát sinh, phát triển và giải pháp phòng trừ phòng trừ kiến hại mắc ca (kiến đen và kiến lửa)

Đặc điểm phát sinh phát triển và gây hại: Kiến là loài côn trùng thuộc họ Formicidae, bộ cánh màng (Hymenoptera). Chúng gây hại phổ biến trên cây trồng. Trên mắc ca chủ yếu kiến lửa và kiến đen gây hại chính. Kiến tập trung trú ngụ dưới các tán lá, tại đây chúng gây hại đọt non và lá non cây mắc ca. Kiến có xu hướng sống bầy đàn, tính xã hội cao nên chúng cắt lá với tốc độ rất nhanh làm cho đọt non, lá non bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn lại gân chính của lá. Ngoài ra kiến còn gây hại các bộ phần còn non khác như mầm hoa, cấu trúc chùm hoa làm giảm tỷ lệ đậu quả, gây rụng hoa và quả non đồng thời thu hút nấm bệnh.

Kiến có mối quan hệ cộng sinh chặt chẽ với các loài rệp (rệp sáp, rệp vừng). Trong quá trình phát triển, rệp thải ra các chất ngọt, trở thành một thực phẩm giàu đường thu hút kiến. Nơi nào có nhiều rệp thì phần lớn nơi đó có nhiều kiến phát triển, khó kiểm soát. Do đó cần có giải pháp phòng trừ cả kiến và rệp hợp lý.

Giải pháp phòng trừ kiến hại mắc ca: Thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm đặc biệt vào các thời kỳ phát triển đọt non, thời kỳ phân hóa mầm hoa, phát triển chùm hoa, hoa nở rộ,..nếu phát hiện có kiến cần phun trên lá (tập trung mặt dưới lá), thân gốc thuốc có chứa Permethrin, Cypermethrin đồng thời kết hợp các giải pháp trừ rệp (nếu có).

1.2 Đặc điểm phát sinh, phát triển và giải pháp phòng trừ phòng trừ mối hại mắc ca

Đặc điểm phát sinh phát triển: Mối là loài côn trùng sống bầy đàn, mang tính xã hội cao. Trong mỗi tổ mối thường có tính phân hóa. Cụ thể:

+ Mối chúa(mối hậu): mối chúa có vai trò rất quan trọng, nhờ nó mà tổ mối mới được thành lập và phát triển, một tổ mối có thể có một hay nhiều mối chúa cùng lúc. Mối chúa có đầu nhỏ, bụng to, dài từ 12–15cm, bộ phận sinh dục phát triển. Vòng đời của mối chúa có thể sống 15-30 năm. Mối chúa sinh sản mạnh mẽ trong khoảng 10 năm, trong cả vòng đời mối chúa có thể đẻ 10-15 triệu trứng (mỗi ngày có thể đẻ ra 8000-10000 trứng). Vị trí mối chúa sinh sống ở nằm ẩn sâu bên trong trung tâm của tổ mối khu vực hoàng cung tổ. Mắt thường không thể nhìn thấy được. Mối chúa tuy béo tốt nhưng có điểm yếu là khi bị bắt ra khỏi tổ vài phút chúng chết ngay.

+ Mối vua: bản chất là mối đực, sống cạnh mối chúa(đều được mối thợ chăm sóc, bảo vệ).

+ Mối lính: chiếm 10% số lượng cá thể/tổng đàn. Mối lính phân hóa từ mối thợ, có số lượng không nhiều, chủ yếu làm nhiệm vụ canh gác và tấn công.

+ Mối thợ: cơ thể nhỏ, các chi phát triển, là thành phần chủ yếu của đàn mối, chiếm tới 70-85% số lượng, gánh vác mọi công việc như kiếm ăn, xây tổ, làm đường, chuyển trứng, hút nước, nuôi mối non (mối thợ là tác nhân phá hoại chính).

Mối và sâu đục thân hại mắc ca

Tập quán gây hại của mối trên cây mắc ca:

Mối thường làm tổ dưới các gốc cây, gây hại trực tiếp phần gỗ của cây và bộ rễ. Mỗi tổ mối có từ 1-3 triệu cá thể, tiêu thụ 400-600g gỗ/ngày. Những nơi đất cát, đất có thành phần cơ giới nhẹ tỷ lệ mối xuất hiện cao hơn so với những nơi đất thịt. Mối thường có xu hướng làm tổ gần gốc cây, hoặc những cây đang bị thối rễ, thân gốc hóa gỗ ( hoặc có dấu hiệu bị mục). Mối thường ăn gỗ, chủ yếu là cần tiêu thụ chất xenlulozơ. Mối thợ có giác quan hai bên miệng kiểu nhai đặc biệt, vòm họng rất chắc. Hệ tiêu hóa của mối có các ký sinh trùng giúp tiết ra dung môi có thể phân giải chất xenlulozơ gỗ khó tiêu hoá thành chất đường cung cấp dinh dưỡng và năng lượng cho mối.

Lưu ý trong quá trình bón lót phân hữu cơ (bón lót hố), các loại phân hữu cơ có phối trộn mùn cưa, trấu tươi (kể cả đã nghiền) sẽ tạo điều kiện thuận lợi dẫn dụ mối đến sinh sống và làm tổ. Tỷ lệ chất Xenlulose càng càng cao trong phân hữu cơ thì khả năng dẫn dụ mối đến càng nhiều.

Giải pháp tiêu diệt mối: Số lượng cá thể mối trên 1 tổ có thể lên tới hàng triệu con, do đó sức gây hại của chúng là rất lớn (có thể gây chết cây, mục hệ thống gốc rễ hoàn toàn chỉ trong vài tháng). Do đó cần phát hiện sớm và tiêu diệt triệt để tổ mối. Có thể phát hiện vết đục hình rich rắc của mối thợ trên thân/gốc cây hoặc những hạt phân đùn ra ngoài như hạt cát. Với đặc điểm của tổ mối, có tới 80-85% mối thợ đi ra ngoài tổ kiếm ăn và đây là đối tượng gây hại chính. Do đó khi diệt tổ mối chúng ta sử dụng hoạt chất Imidacloprid gây độc cho mối thợ. Làm suy giảm số lượng mối thợ đồng thời mối thợ sẽ là trung gian lan truyền thuốc về tổ làm nhiễm độc thứ cấp cho các loại mối khác trong tổ qua đó sẽ làm cho tổ mối suy yếu dần và tiêu diệt triệt để chúng trong khoảng thời gian nhất định.

Ngoài ra có thể sử dụng hoạt chất Deltamethrin 30g/l kết hợp Fipronil 30g/lít diệt mối và kiến đồng thời.

1.3 Đặc điểm phát sinh, phát triển và giải pháp phòng trừ phòng trừ sùng đất hại mắc ca

Đặc điểm hình thái: Sùng đất (sâu đất) là ấu trùng của bọ hung (thuộc bộ cánh cứng Coleoptera). Có 3 loài bọ hung gây hại cây trồng bao gồm:

Bọ hung đen (Allissonotum impressicolle).

Bọ hung nâu (Holotrichia sinensis).

Bọ hung xanh (Anomata sp.).

Trên mắc ca, bọ hung nâu là loài gây hại chính (họ sùng đất - Melonihidae). Bọ hung sống và phát triển quanh năm dưới đất, kích thước đạt 1,5-2cm, có màu nâu nhạt đến đen óng ánh. Vòng đời của bọ hung gồm 4 pha:

+ Trứng: hình tròn, kích thước 2-3mm, nằm độ sâu 5-15cm, nở sau 10-15 ngày.

+ Ấu trùng (sâu non/sùng đất): Ấu trùng có màu trắng xám đến trắng sữa hoặc trắng ngà, đẫy sức dài 2-3cm và có 3 tuổi. Sùng đất có hình dạng giống chữ C, ít chân(chỉ có 3 cặp chân), đốt cuối bụng có nhiều gai và xếp không tạo hình nhất định. Sùng đất sau khi nở rất thích ăn rễ cây, cắn phá rễ cây, chúng sống gần một năm dưới đất mới hóa nhộng (270-300 ngày).

+ Nhộng: Tạo kén mất 10-15 ngày, thêm 30 ngày để lột xác bay ra khỏi kén (vũ hóa). Tổng thời gian giai đoạn nhộng 40-45 ngày.

+ Trưởng thành: đẻ trung bình 15-18 quả trứng, thường đẻ trứng vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa, sống trung bình 1-2 tháng.

Triệu chứng ban đầu mắc ca bị sùng đất tấn công

Tập tính gây hại: Bọ hung hoạt động mạnh từ chập tối đến đêm, ban ngày chui xuống đất(hoặc ẩn nấp trên các cây thân gỗ). Bọ hung thích sống và đẻ trứng dưới gốc rễ cây, những nơi đất có thành phần cơ giới nhẹ (đất cát pha, đất thịt nhẹ, bãi bồi, sườn đồi, các vùng đất khô cằn thiếu nước) hoặc những nơi có nhiều phân hữu cơ, thảm thực bì mục nát. Sau khi vũ hóa 1-2 ngày, bọ hung có thể gặm ăn vỏ cây, đào đất đẻ trứng ở tầng đất 5-15cm và nở sau 10-15 ngày. Sùng đất có hàm rất khỏe, chúng có thể đào sâu và cắn phá rễ ở tầng đất từ 5 – 25cm. Trên mắc ca sùng đất tấn công phá hủy bộ rễ với tốc độ rất nhanh, làm cho cây còi cọc chậm phát triển, đọt non bị vàng khô, nhỏ hẹp, cây gần như không phát triển được. Khi phát hiện triệu chứng trên thân lá, đọt non thì bên dưới sùng đất đã phá hoại gần như hoàn toàn bộ rễ. Sùng đất chủ yếu gây hại từ tháng 4-10 hàng năm (tập trung mạnh nhất vào tháng 6-8). Sùng đất phát triển mạnh, cắn rễ có thể làm chết cây đồng thời tạo vết thương hở làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh nấm khuẩn hại rễ, gây thối rễ, đen rễ.

Giải pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp hại mắc ca phần 2: xem link sau

https://nanobacsuper.com/giai-phap-phong-tri-sau-benh-tong-hop-tren-mac-ca-phan-2

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO NANOTECH

Tư vấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp:

ThS Phạm Công Khải - Hotline: 0976 804 678 * 0835 99 85 99

Email: chuyengianongnghiep24h@gmail.com