Vai trò của Canxi và Phospho trong thức ăn thủy sản

VAI TRÒ CỦA CANXI VÀ PHOSPHO TRONG THỨC ĂN THỦY SẢN

Ca và P cần thiết cho quá trình hình thành xương. Trong xương cá Ca chiếm tỉ lệ cao. Ở vảy cá rô phi hàm lượng Ca cũng chiếm đến 19 – 21%. Hàm lượng Ca trong một số loài cá giảm khi sinh sản và thức ăn thiếu Ca, điều này cho thấy Ca được hấp thu từ vảy cho các hoạt động sinh lí. Tỉ lệ Ca:P ở vảy và xương cá là 1.5 – 2.1 và tỉ lệ Ca:P cả cơ thể là 0.7 – 1.6. ngoài vai trò cấu trúc cơ bản của xương, Ca còn tham gia vào quá trình đông máu, co cơ, dẫn truyền thông tin thần kinh, duy trì áp suất thẩm thấu.

Tương tự như Ca, P thường tồn tại ở dạng kết hợp với hợp chất khác trong mô xương cá. Hàm lượng P trong bộ xương cá chiếm khoảng 15% và 0.2 – 0.8% trong cơ thịt cá. P có vai trò trong quá trình biến dưỡng các chất dinh dưỡng trong cơ thể. P là chất cấu thành hợp chất cao năng Adenosine triphosphate (ATP), Phospholipid, AND, ARN và một số coenzyme. Vì vậy P tham gia vào quá trình trao đổi năng lượng, điều khiển sinh sản, sinh trưởng…Phospho tham gia vào việc duy trì ổn định pH trong cơ thể ĐVTS.

Đối với động vật trên cạn, Ca được lấy từ thức ăn, tuy nhiên ở ĐVTS đặc biệt là động vật biển có khả năng hấp thu Ca từ việc uống nước hoặc hấp thu qua mang, da. Cá biển hấp thu một lượng khoáng rất lớn từ nước biển như: Ca, Na, Cl, Mg, nhưng rất ít P. Hàm lượng Ca hấp thu được ở cá biển khoảng 40 – 52% so với lượng cung cấp từ thức ăn. Trái lại cá nước ngọt hầu như không lấy được Ca từ môi trường vì chúng ít uống nước. Khi hàm lượng P trong nước biển thấp (ít hơn 0.1 mg/l) lượng P mà cá lấy được từ nước biển chỉ khoảng 1% so với lượng P lấy từ thức ăn.

Như vậy sự hấp thu Ca có thể được cá tự điều chỉnh thông qua sự gia tăng hấp thu từ môi trường nước chỉ khi nào nước quá mềm và thức ăn không cung cấp đủ Ca thì vấn đề thiếu hụt Ca mới xảy ra. Do đó, nhu cầu Ca của cá ít được chú ý, tuy nhiên cá được nuôi trong môi trường nước thật mềm lượng Ca trong thức ăn cũng cần được lưu ý vì hàm lượng Ca trong thức ăn thấp sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng.

Trái ngược với Ca, P hầu như được lấy chủ yếu từ thức ăn, tỉ lệ P hấp thu từ môi trường nước rất thấp, chỉ đạt 1/40 so với Ca. Lượng P hấp thu từ môi trường nước lệ thuộc vào nhiều yếu tố môi trường, hàm lượng Ca trong nước và giống loài thủy sản.

Dấu hiệu thiếu P chủ yếu là giảm sinh trưởng, hiêu quả sử dụng thức ăn và khoáng trong xương, vảy, vỏ. Ngoài ra, ở cá chép còn có dấu hiệu tăng hàm lượng mỡ, giảm lượng nước trong cơ thể và lượng P trong máu.

Các dạng Caxi và Phospho động vật thủy sản có thể sử dụng

Khả năng sử dụng và hấp thu Ca phụ thuộc vào dạng và hàm lượng Ca, hàm lượng P, thành phần của thức ăn và cấu trúc hệ thống tiêu hóa của ĐVTS. Ở cá chép khi hàm lượng Ca trong thức ăn là 0.68% thì cá có thể hấp thu được 58% dạng calcium lactate, 37% dạng tribasic calcium phosphate và 27% dạng calcium carbonate. Khả năng hấp thu Ca của ĐVTS tăng khi sử dụng dạng Ca hòa tan. Khả năng hấp thu Ca sẽ giảm 20 – 34% khi hàm lượng P tăng cao trong thức ăn.

Nguồn cung cấp Ca chính trong thức ăn là nguyên liệu có nguồn gốc động vật như bột cá. Trong cơ thể cá, hàm lượng Ca cao nhất ở bộ khung xương (>30%) và vảy (>80%). Ca ở vảy cá là sự tích lũy Ca tạm thời và không bền. Trong cơ thịt cá hàm lượng Ca dao động từ 0.02 – 0.5% khối lượng. Ca cũng có ảnh hưởng đến các thành phần dinh dưỡng khác như Vitamin D, Mg, Zn.

Giống như Ca, hiệu quả sử dụng và hấp thu P phụ thuộc vào dạng P được sử dụng, hàm lượng Ca và loài cá. Lượng Ca trong thức ăn ảnh hưởng lớn đến sự hấp thu P trong nước và thức ăn. Khả năng hấp thu P phu thuộc vào dạng của P. Dạng monophosphate Na và Monophosphate K là dạng muối khoáng được sử dụng hiệu quả nhất đối với cá chép, rô phi, cá da trơn và cá hồi. Khả năng sử dụng hỗn hợp calcium phosphate biến động rất lớn. Dạng Monobasic calcium phosphate được sử dụng hiệu quả nhất trong khi dạng dibasic và tribasic thì ít hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khả năng sử dụng các dạng P cũng thay đổi tùy theo loài. P trong bột cá có hiệu quả sử dụng đối với cá khoảng 40%. P torng casein và men được sử dụng rất tốt bởi cá chép, cá da trơn. Đối với P của thực vật hầu như ĐVTS không sử dụng hoặc hiệu quả sử dụng rất kém. P từ bột đậu nành do tồn tại chủ yếu dưới dạng acid phytic, nên cá chỉ sử dụng được 29 – 54%.

Tỉ lệ Ca:P đã được đề nghị cho một số loài như 0.56:1.1 cho tôm hùm, 1:1 cho tôm he Nhật Bản, 1:1 hoặc 1:1.5 ở tôm sú. Mức Ca tối đa trong thức ăn tôm là 2.3%, mức P từ 1 – 2%. Ở cá, mức P được đề nghị là 0.29 – 0.8% tùy thuộc vào loài và dạng P sử dụng.

nanobacsuper.com