Tại sao khi tưới đạm cá, bón phân gà tươi lại gây chết cây bưởi, héo lá ban ngày, ban đêm lại xanh tươi bình thường

Thời gian gần đây rất nhiều nhà vườn trồng bưởi Diễn có hỏi tại sao khi dùng Đạm Cá, Phân Gà Tươi(chưa ủ hoai) bón rải xung quanh gốc – sau đó gặp mưa làm cho chết cây hoặc nhẹ thì héo lá (cả lá non, lá bánh tẻ, lá già). Ngoài ra còn thấy một số cây có hiện tượng trưa - chiều thì héo nhưng qua đêm đến sáng lại tươi xanh trở lại bình thường ???

Cây bưởi diễn bị chết, héo xanh lá do ngộ độc hữu cơ (tưới đạm quá liều, bón phân gà tươi) - Giải pháp xử lý liên hệ: 0976 804 678 (ThS Khải)

Vấn đề này tôi xin giải thích như sau:

Khi sử dụng Đạm cá, Phân gà tươi bón/tưới xuống vùng rễ cây, chỉ sau 2-4 ngày cây sẽ héo rũ, nặng thì cây chết hoàn toàn không thể phục hồi (có hình ảnh thực tế nhà vườn gửi). Điều này là do khi bón rải phân tươi lên mặt (tại thời điểm đất khô, nắng nóng), sau trận mưa phân gà tươi bị rửa trôi hoàn toàn và thẩm thấu mạnh xuống tầng đất phía dưới do trước đó đất khô, độ ẩm thấp (tại đây tập trung nhiều rễ hút của cây) làm cho bộ rễ bị ngộ độc hữu cơ nghiêm trọng (phần lông hút của rễ bị chết hoàn toàn dẫn đến chết cây (nếu bón/tưới nhiều). Tỷ lệ héo cây, chết cây phụ thuộc vào lượng phân tươi sử dụng, tuổi cây, sức cây. Nhiều trường hợp bón đạm cá quá liều cho cây 1-2 năm tuổi cũng gây héo và chết cây chỉ sau vài ngày.

Thông thường đạm cá nếu ủ đúng quy trình, tỷ lệ Nitơ chiếm khoảng 1-1,5%, tương tự phân gà tươi cũng vậy. Mà nhu cầu N của cây giai đoạn này (tính tại vùng lông hút chỉ 30-40ppm là cùng). Trong trường hợp cụ thể này nhà vườn đã sử dụng quá liều lượng (khoảng 160 - 200ppm). Hầu hết khi bón phân gà tươi hoặc đạm cá liều cao khi gặp mưa sẽ thẩm thấu xuống tầng rễ phía dưới làm cho toàn bộ phần lông hút của rễ bị ngộ độc (tạo ra áp suất thẩm thấu bên ngoài cao hơn vài đến vài chục atm làm cho rễ mất nước nhanh vượt quá ngưỡng chịu đựng dẫn đến hư hỏng rễ hoàn toàn).

Note: Cần sử dụng phân hữu cơ hoai mục đã qua ủ, bón lót cho cây, đối với bưởi diễn nên ưu tiên phân trâu bò ủ hoai (ủ nóng + Men vi sinh).

Khuyến cáo: Nếu sử dụng đạm cá có độ đạm 1,5% (mỗi 1 lít dung dịch đạm cá sau ủ có khoảng 15g N). Do đó nếu muốn sử dụng, bổ sung Đạm cá ở nồng độ 30ppm (sau pha loãng) thì cần phải pha loãng tới 500 lần. Tức là mỗi lít gốc đạm cá cần pha với 500 lít nước. Nếu sử dụng  đạm cá ở nồng độ 40ppm cần pha loãng 375 lần (1 lít gốc đạm cá pha với 375 lít nước). Ở một số nhóm cây trồng có thể sử dụng ở nồng độ 50ppm thì mỗi lít gốc đạm cá pha 300 lít nước.

Với cây bưởi diễn thời kỳ phát triển lộc hè, nuôi dưỡng quả (từ tháng 4-7) nên bón đạm cá ở nồng độ đạm từ 30-50ppm (khuyến cáo chung). Tất nhiên khi sử dụng nên cân đối với các thành phần đa lượng, trung lượng, vi lượng khác để đảm bảo nguyên tắc cân bằng dinh dưỡng qua các thời kỳ phát triển của cây. Đối với bưởi Diễn có thể bổ sung thêm Kali trắng từ tháng 7-8-9 âm lịch hàng năm. Lưu ý khi sử dụng phân bón vô cơ hay hữu cơ cần bón theo nhu cầu dinh dưỡng của cây (nhìn cây để bón), bón đúng thời điểm, dựa vào điều kiện thời tiết từng năm để bón. Với bưởi Diễn tôm vàng cần chú ý điều tiết dinh dưỡng phù hợp với sức cây, lượng quả trên cây đặc biệt những năm có kiểu thời tiết mưa kết thúc muộn, ấm kéo dài (mùa đông đến muộn hoặc nhiệt độ TB cao) cần chủ động kết thúc sớm phân bón, xử lý nhẹ bộ rễ ngay cả khi chưa thu hoạch qua đó chủ động hãm lộc đông, đưa cây vào ngủ nghỉ sớm, tích lũy dưỡng chất để chuẩn bị cho phân hóa mầm hoa. Quá trình chăm sóc bưởi diễn thời điểm chuẩn bị quả vào đường (quả già chín) cần dựa vào nhiều yếu tố (sức cây, lượng quả/cây, thời tiết trong đó quan trọng nhất là nhiệt độ và lượng mưa). Mục tiêu là ép cành mẹ (cành xuân, hè) vào ngủ nghỉ (ít nhất đạt 70-80%). Thời gian ngủ nghỉ của cành Mẹ càng dài hoa sau này càng to khỏe. Do vậy những năm nắng nóng, mưa kết thúc muộn (tháng 10-12 âm) thường hoa bưởi nhỏ, cánh mỏng, hoa dị hình nhiều, ra hoa không đều, tỷ lệ thụ phấn thấp, sau khi tắt hoa quả chậm lớn, cuống vàng nhanh, rụng nhiều...khó kiểm soát. Dự là những năm tới do biến đổi khí hậu kèm theo hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ làm rối loạn sinh trưởng, sinh lý của nhiều loại cây khác (không riêng cây ăn quả) do quá trình phân hóa hoa của nhiều nhóm cây phụ thuộc vào quang chu kỳ và tổng tích ôn (ánh sáng + nhiệt độ). Điển hình là cây Hoa Sữa tại HN năm nay ra hoa từ tháng 4-5 (trong khi tháng 8-9 mới là mùa của Hoa Sữa).

Giải thích hiện tượng một số cây có hiện tượng trưa - chiều thì héo nhưng qua đêm đến sáng lại tươi xanh trở lại bình thường ???

Để giải thích hiện tượng này chúng ta cần hiểu quá trình hút nước, dinh dưỡng và thoát hơi nước tại bề mặt lá của thực vật nói chung.

Trong quá trình sinh trưởng - phát triển, cây trồng thường có hiện tượng thoát hơi nước qua thân lá(phần lớn qua lá, đặc biệt lá non, lá bánh tẻ). Trước hết cần hiểu quá trình thoát hơi nước của cây về bản chất là một quá trình bay hơi vật lý phụ thuộc vào các yếu tố ngoại cảnh và được điều chỉnh bởi các hoạt động sinh lý của cây (quang hợp, hô hấp). Quá trình thoát hơi nước của cây chủ yếu được thực hiện qua khí khổng. Vậy ý nghĩa của sự thoát hơi nước là gì ?

+ Thoát hơi nước có liên quan chặt chẽ với quá trình quang hợp. Như chúng ta đã biết quang hợp rất cần khí CO2 (trong không khí tự nhiên). Khi khí khổng mở để thoát hơi nước thì cũng là lúc CO2 được khuếch tán vào lá đến Lục Lạp để thực hiện quang hợp.

+ Thoát hơi nước tại mặt lá giúp thúc đẩy quá trình hút nước và dinh dưỡng khoáng của bộ rễ (đưa nước và dinh dưỡng lên trên các bộ phận trên mặt đất thông qua mạch dẫn xylem).

+ Thoát hơi nước qua mặt lá có td làm giảm nhiệt độ bề mặt lá(lá không bị héo, không bị tiêu diệt bởi nhiệt và ánh sáng, giúp bảo vệ lá vượt qua nắng nóng bất lợi). Ngoài ra nước còn tham ra vào rất nhiều các phản ứng hóa sinh của cây.

Như vậy có thể nói quá trình thoát hơi nước qua bề mặt lá của cây có vai trò cực kỳ quan trọng (hơi nước được thoát ra qua lỗ khí khổng). Chính vì vậy nhà KH Timiriazep nói rằng: “cây phải chịu bay hơi nước để mà dinh dưỡng tốt hơn”. Cây bắt buộc phải mở khí khổng để thoát nước qua đó bổ sung CO2 để thực hiện quang hợp.

Cường độ thoát hơi nước qua lá phụ thuộc từng nhóm cây trồng và điều kiện thời tiết. Thông thường sẽ dao động trong phạm vi từ 40-250g nước/m2 lá/1giờ. Với cây bưởi diễn chỉ số diện tích lá vào thời điểm quả đang phát triển khá cao. Ước tính cần khoảng 150-180g nước/m2 lá/giờ. Do đó lượng nước thoát ra từ bề mặt lá là rất lớn(1 cây bưởi Diễn tán rộng, trong điều kiện nắng nóng có thể thoát hơi nước qua lá trong 8 tiếng vào khoảng 800-1500kg nước). Do đó trong quá trình chăm sóc cần pải cung cấp đủ nước cho cây và đặc biệt phải bảo vệ bộ rễ để lông hút của rễ hoạt động “trơn tru”. Khi bộ rễ bị thối do nhiễm nấm, tuyến trùng, ngộ độc, phải hô hấp trong điều kiện yếm khí thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt các hoạt động sinh lý của cây.

Trở lại với trường hợp cây bưởi ngày héo, đêm tươi chính là do ban ngày khí khổng mở để thoát hơi nước, đồng thời CO2 khuếch tán vào (quang hợp). Lúc này bộ rễ bị ngộ độc (nhẹ) nên hiệu suất hút nước + muối khoáng kém đi so với trước. Ban đêm tươi trở lại do ban đêm cây không quang hợp, lượng hơi nước lúc này thoát ra chủ yếu qua lớp Cutin lá (nước thoát qua lớp cutin ít hơn, lượng nc thoát ra chỉ khoảng 10% so với qua khí khổng vào ban ngày).

Một điểm nữa cần lưu ý cường độ thoát hơi nước phụ thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm không khí. Nhiệt độ cao, ẩm không khí thấp thoát hơi nước mặt lá xảy ra càng mạnh. Do đó có thể nâng cao độ ẩm mặt lá bằng cách phun nước dạng sương mù ẩm qua lá, nhằm giảm phần nào hiện tượng héo lá đột ngột do thoát hơi nước gây ra. Trong nhiều trường hợp ngay cả khi bộ rễ hoạt động bình thường do thời tiết khắc nghiệt nên lá và các bộ phận còn non của cây vẫn bị héo khi có nắng nóng, độ ẩm kk thấp.

Giải pháp phục hồi cây (với cây bị nhẹ có khả năng phục hồi, những cây héo xanh ban ngày và phục hồi vào ban đêm):

+ Dùng chế phẩm nano AKH super plus pha loãng tưới gốc 2- 3 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày.

+ Kết hợp dùng 500ml Bionanotech tưới gốc xen kẽ với chế phẩm nano AKH super plus, tưới gốc 2-3 lần.

 

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO NANOTECH

Tư vấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp:

ThS Phạm Công Khải - Hotline: 0976 804 678 * 0835 99 85 99

Email: nanobacsuper@gmail.com