Nguyên nhân và giải pháp chống tước cành, ngã đổ trên cây mắc ca

Phần 1: Nguyên nhân gây nên hiện tượng tước cành, xé cành và cây ngã đổ trên mắc ca

Do đặc điểm sinh vật học: Mắc ca thuộc họ proteacaea nên có rễ cọc kém phát triển, chủ yếu rễ tơ, rễ mặt, rễ ngang tập trung tầng đất mặt (5-40cm), trong khi khối lượng sinh vật học của các bộ phận trên mặt đất khá lớn, rễ phát triển nông nên chúng chịu gió bão kém, cây có thể bị bật gốc vào mùa mưa bão. Cành mắc ca tuy cứng nhưng giòn nên có thể bị tước/xé hoặc gãy cành, đặc biệt tại vị trí phân tán cành cấp 1.

Do cách trồng, chăm sóc và chế độ dinh dưỡng: chế độ chăm sóc, cách bón phân, tưới nước, đào hố trước khi trồng cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ cây bật gốc, tước xé cành. Khi trồng nếu đào hố quá sâu, rộng sẽ ảnh hưởng đến kết cấu của đất xung quanh vùng rễ cây sinh trưởng. Vào mùa mưa các hố trồng có kích thước nhỏ sẽ tích nước ít hơn, ngược lại hố kích thước lớn sẽ có xu hướng tích nước nhiều hơn, thoát nước chậm do đó ảnh hưởng đến sinh trưởng bộ rễ(bộ rễ thối, nghẹt rễ). Ngoài ra đối với các khu vực đất có thành phần cơ giới nhẹ, tỷ lệ cát cao việc đào hố sâu, rộng sẽ làm cho đất bị lún sụt, vùng đào hố sẽ trở lên trũng thấp so với xung quanh, bầu cây bị tụt dẫn đến cây mắc ca có thể bị nghẹt rễ, bó rễ, thối rễ vàng lá. Chế độ dinh dưỡng không cân đối, phù hợp sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển bộ rễ (rễ ăn quá nông, vùng phát triển hẹp cũng là nguyên nhân gây nên hiện tượng đổ ngã cây, tước xé cành).

Về cơ bản sự phát triển mất cân đối giữa bộ rễ so với khối lượng sinh vật học của các bộ phận trên mặt đất (thân, cành) dẫn đến hiện tượng tước/gẫy cành, cây bật gốc vào mùa mưa.

Do tính chất đất: Đất có thành phần cơ giới nặng – trung bình có tỷ lệ bật gốc, tước cành thấp hơn so với đất có thành phần cơ giới nhẹ, đất nghèo hữu cơ và dinh dưỡng. Đất quá dốc thường xảy ra hiện tượng xói mòn, rửa trôi qua đó tạo nguy cơ bật gốc, gãy đổ cây vào mùa mưa.

Do quá trình cắt tỉa tạo tán chưa hợp lý: Việc cắt tỉa muộn, không định kỳ thường xuyên, tạo tán mất cân đối, tán lệch làm cho khối lượng sinh vật học của tán cao hơn so với sinh trưởng phát triển của bộ rễ. Ngoài ra tán quá cao tạo sức cản lớn làm tăng cao tỷ lệ gãy đổ cây (nhất là vào mùa mưa).

Phần 2: Giải pháp chống gãy đổ, tước xé cành trên cây mắc ca

Lựa chọn đất trồng phù hợp với cây mắc ca: pH 5,8 – 6,5, hàm lượng hữu cơ cao, tỷ lệ sét và cát ít, kết cấu đất ổn định, tầng canh tác dày trên 70-80cm, đất có độ dốc vừa phải, trên đất dốc bắt buộc phải cắt băng hạ bậc tạo đường đồng mức. Ngoài ra khi tạo đường đồng mức nên thiết kế mặt băng có xu hướng nghiêng vào phía bên trong của taluy dương.

Chuẩn bị đất, xử lý đất trước khi trồng: Cần đào hố, bón phân lót trước khi trồng ít nhất 30-45 ngày. Khi đào hố, không cần đào quá sâu-rộng (ảnh hưởng kết cấu đất và làm tăng khả năng tích tụ nước, chậm thoát nước khi có mưa). Kích thước hố nên đào 50-60cm x 50-60cm x 50-60cm (tùy tính chất đất và phân hữu cơ sử dụng lót hố). Đối với phân gà Nhật dạng viên nén nên đào nông hơn (30-35cm, rộng 50-60cm, phân trộn đều với tầng đất 30-35cm). Đào hố với kích thước nhỏ vừa phải sẽ tiết kiệm chi phí, việc cải tạo đất sẽ thực hiện giai đoạn sau trồng (vừa bón phân chăm sóc, vừa cải tạo đất). Mắc ca có tỷ lệ rễ tơ, rễ mặt cao, ưa hảo khí, do đó khi trồng nên trồng nổi, tránh đặt bầu cây quá sâu dưới đất có thể gây nghẹt rễ, thối rễ vàng lá, cây còi cọc chậm phát triển.

Các biện pháp cắt tỉa tạo tán thông thoáng:

+ Chủ động điều tiết cành cấp 1-2-3(đặc biệt là phân cành cấp 1). Có những dòng mắc ca pát triển rất nhiều đọt non đồng thời. Do đó việc cắt tỉa sớm nhằm tập trung nuôi cành mà ta mong muốn, tránh bị cạnh tranh, phân chia dinh dưỡng bởi các cành phá tán.

(cách cắt tỉa này làm tăng nguy cơ tước/xé cành tại vị trí phân cành cấp 1)

+ Tạo tán thông thoáng theo hướng tán mở, đường kính tán mở rộng qua từng năm, nâng cao chỉ số LAI.

+ Hạ thấp chiều cao cây thông qua điều chỉnh chiều cao các tầng cành, tầng tán.

+ Giữ lại các cành lợi tán, to khỏe, thoát tay cành tốt đồng thời loại bỏ các cành phá tán, cành nhỏ yếu, cành vô hiệu.

Cần chủ động các biện pháp cắt tỉa, phân cành cấp 1 ngay từ giai đoạn sau trồng, giúp ổn định thế tán cây, chống đổ ngã, gãy/xé cành. Có nhiều kiểu phân cành cấp 1, tùy thuộc vào thực trạng sinh trưởng và phát triển của cây mắc ca, tùy dòng/giống và điều kiện sinh thái từng vùng. Sau đây tôi xin giới thiệu các kiểu phân cành cấp 1 cho cây mắc ca (phân cành đồng trục đối xứng và không đồng trục bất đối xứng – xem hình minh họa dưới đây).

Kỹ thuật bón phân, duy trì nước tưới: Sau khi trồng duy trì độ ẩm đất vừa phải, không nên để cây bị thiếu nước hoặc bị thừa nước (mắc ca không ưa thừa ẩm, yếm khí, trũng thấp). Do đó cần tạo điều kiện thuận lợi tiêu nước khi mưa, tránh ngập úng, tránh nước mưa chảy dốc vào cổ rễ, bầu cây. Ngoài ra trước khi bón phân nên tạo rãnh, làm sạch cỏ dại quanh gốc (hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ hóa học). Phân cần được trộn đều với đất trước khi bón, bón phân theo nguyên tắc vừa bổ sung dinh dưỡng nuôi cây, duy trì sức sinh trưởng của cây đồng thời bón nhử rễ cây, tạo điều kiện thuận lợi cho cây phát triển bộ rễ sâu rộng (tăng khả năng bám giữ).

Chế độ dinh dưỡng cho cây mắc ca: Chế độ dinh dưỡng cho cây mắc ca có liên quan đến sự bền vững, độ chắc cành, tính dẻo dai và bền vững của cây. Chúng tôi đã nghiên cứu, theo dõi, đánh giá các công thức bón phân khác nhau cho mắc ca từ năm 1 đến năm thứ 6. Quá trình chăm sóc, bón phân cần bổ sung phân hữu cơ (mỗi năm 1-2 lần, mỗi cây 15-30kg tùy tuổi cây). Ngoài ra cần kết hợp phân khoáng NPK. Hiện tại các nhóm phân NPK trên thị trường có tỷ lệ dinh dưỡng trung vi lượng hữu hiệu khá thấp. Nói cách bổ sung dinh dưỡng không cân đối giữa các thành phần đa lượng – trung vi lượng sẽ làm cho các cành sinh dưỡng mắc ca phát triển thiếu ổn định, cành giòn, dễ gãy, độ bền cơ học kém. Qua nghiên cứu thực nghiệm, theo dõi đánh giá trên 10ha tại Tuần Giáo, Điện Biên, chúng tôi thấy rằng: Từ thời kỳ sau trồng, kết hợp các biện pháp cắt tỉa tạo tán thông thoáng, hạ thấp chiều cao cây, đồng thời phân bón gốc định kỳ cần bổ sung các thành phần dinh dưỡng thiết yếu như: Đạm, lân, kali, S, Mg, Ca, Si, B, Mo, Cu, Zn, Mn,…trong đó hệ Ca-Mg-Si có vai trò quan trọng giúp cây phát triển cân đối, cành chắc khỏe, độ bền cơ học cao, chống gió bão tốt. Silic tích tụ trong cây dưới lớp biểu bì và tạo thành một lớp kép, làm cho lá cây dày hơn, chống nóng tốt. Silic làm cho kết cấu của bó mạch gỗ ổn định hơn, tăng tính liên kết thông qua độ bền vững của các sợi liên bào, giúp cành sinh dưỡng của cây chắc khỏe, dẻo dai, đàn hồi tốt. Một số dòng mắc ca tỏ ra kém chịu nhiệt (chịu nóng), khi nhiệt độ cao trên 35oC, độ ẩm không khí thấp, các lá non, đọt non thường bị cháy khô, táp lá (điển hình QN1). Khi sử dụng phân silic cho mắc ca tỷ lệ cháy lá, táp lá trong điều kiện nhiệt cao giảm hẳn so với đối chứng (các cấu trúc bio-silic hóa có mặt trong lớp tế bào biểu bì có hiệu quả trong việc làm mát lá cây nhờ cơ chế bức xạ hồng ngoại tầm trung (mid-IR) hiệu quả. Do đó, silic tạo ra một cơ chế vật lý chống lại điều kiện bất lợi về nhiệt).

Dòng sản phẩm phân bón chuyên dùng cho mắc ca được chúng tôi nghiên cứu (thành phần dưới đây)

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO NANOTECH

Tư vấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp:

ThS Phạm Công Khải - Hotline: 0976 804 678 * 0835 99 85 99

Email: nanobacsuper@gmail.com