Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca giai đoạn kiến thiết cơ bản (quy trình tiêu chuẩn)

1.Tiêu chuẩn chọn giống và chăm sóc giống trước khi trồng
Sau nhiều năm nghiên cứu, theo dõi và đánh giá, chúng tôi nhận thấy rằng có rất nhiều dòng mắc ca phù hợp với điều kiện sinh thái tại các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc nước ta (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lạng Sơn, Yên Bái, Hà Giang,…). Một số dòng cho năng suất chất lượng quả ổn định như: QN1, 246, 800, 816, 849, 842, 741, A38, A4, A16, OC,..(trong đó có OC, 246, và 816 là 3 giống quốc gia. Có 8 giống được bộ nông nghiệp công nhận: QN1, A38, A16, A4, 741, 842, 849, 800). Riêng dòng 695 cây sinh trưởng phát triển khá tốt, tuy nhiên quả nhỏ, tỷ lệ thu hồi nhân thấp, chất lượng nhân không cao.
                                                                Theo ThS Phạm Công Khải (2016-2021)
Tiêu chuẩn nhập giống trước khi trồng đại trà:
+ Cây giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bộ nông nghiệp công nhận.
+ Cây giống phát triển cân đối khỏe mạnh, gốc ghép lan đều, không cong queo dị dạng.
+ Cây giống có bộ rễ phát triển ổn định, bộ rễ lan tỏa đều, không có biểu hiện phát triển quá phát, ít rễ già hóa, phát triển mất kiểm soát(tỷ lệ rễ tơ cao).
+ Vết ghép trên cây giống tiếp hợp tốt, không có hiện tượng chân hương hoặc chân voi. Gốc ghép và cành ghép có độ tương thích cao về đường kính.
+ Nguồn hom ghép cành ghép phải đúng giống, không bị lẫn giống, được các cơ quan chức năng có thẩm quyền chứng nhận.
+ Hom ghép phải lấy từ cây đầu dòng, cây đã cho quả ổn định ít nhất 3-4 năm liên tiếp.

Giống nhập về được chăm sóc lưu vườn 1 vài tuần trước khi trồng, tuy nhiên không để bộ rễ bị già hóa, trước trồng cắt nước, tiến hành bấm ngọn đúng kỹ thuật.


2.Khoảng cách và mật độ trồng mắc ca(trồng thuần)
Mật độ trồng thuần phụ thuộc vào chất đất, độ dốc và điều kiện khí hậu sinh thái từng vùng. Có thể trồng với các khoảng cách và mật độ sau: 4x6m, 4x5m, 6x6m; 5x6m, 5x7m. Những nơi đất tốt, điều kiện sinh thái phù hợp với mắc ca nên trồng với mật độ 4-5m x 6m(cây cách cây 4-5m, hàng cách hàng 6m), tương đương mật độ trồng thuần 330-420cây/ha(với hệ số trồng tối ưu k gần bằng 1).
3.Phương pháp bố trí trồng xen các dòng mắc ca
Tùy diện tích mỗi phân khu mà ta lựa chọn số lượng các dòng mắc ca trồng xen với nhau. Diện tích trồng càng lớn thì số lượng dòng mắc ca lựa chọn trồng xen càng tăng và ngược lại.
Lợi ích của việc trồng xen các dòng mắc ca:
+ Tạo sự đa dạng sinh học trong quần thể, hạn chế thoái hóa giống. 
+ Do mỗi dòng có nguồn gốc gen khác nhau nên sẽ tạo ra sự lai xa giữa các dòng do đó về lâu dài sẽ tạo ra ưu thế lai qua đó cho năng suất chất lượng quả tốt hơn qua từng năm.
+ Trồng xen làm tăng tỷ lệ thụ phấn chéo giữa các dòng qua đó nâng cao tỷ lệ đậu quả, hạn chế rụng quả sinh lý, duy trì sự phát triển ổn định sinh trưởng sinh thực của các dòng mắc ca.
+ Giảm thiểu rủi ro mất mùa do các điều kiện bất thuận từ thời tiết khí hậu. Việc trồng xen đa dạng nhiều dòng giúp thời gian thụ phấn kéo dài hơn, tăng tỷ lệ đậu quả.
Phương pháp bố trí trồng xen các dòng mắc ca trên cùng một phân khu diện tích: tỷ lệ 2-1-3 hoặc 2-2-1-4 hoặc 2-2-1-5,...


Trồng xen mắc ca với các cây trồng khác: Mắc ca có thể trồng xen với các cây trồng khác như chè, cà phê, cây dược liệu (mật độ cây cách cây 8-10m, tùy điều kiện từng nơi, mật độ 120-160 cây/ha), ngoài ra có thể trồng xen mắc ca với các cây ngắn ngày, ưa bóng, với mục tiêu lấy ngắn nuôi dài.
4.Kỹ thuật đào hố, bón phân lót trước khi trồng (chuẩn bị đất trước khi trồng)
Trên đất dốc, cần phải cắt băng tạo đường đồng mức, thuận lợi cho quá trình trồng và chăm sóc. Các băng được thiết kế ổn định, hạn chế xói hoặc sạt lở băng, chiều rộng băng 3 – 3,3m, lưu ý không nên để phần taluy dương có độ dốc quá lớn. Cần có các giải pháp hạn chế xói lở, sạt băng. 


Hiện tượng sạt băng, lở băng do 2 nguyên nhân: Thứ nhất khi cắt băng có quá nhiều đất mượn. Thứ 2 là do nước mưa chảy ngầm dẫn đến hiện tượng sạt băng, lở băng. Vì vậy khi cắt băng, làm đường đồng mức nên thiết kế mặt băng có xu hướng nghiêng vào phía bên trong của taluy dương, đồng thời phía dưới chân taluy dương cần đào rãnh nhỏ (20-30x 20x30cm). Mục đích khi có mưa, nước sẽ dồn vào phía trong chân taluy dương và thoát theo đường mương dưới chân taluy dương đó. Ngoài ra cần tạo thảm thực vật đủ dày trên taluy dương giảm xói mòn đất, hạn chế dòng chảy qua đó giảm hiện tượng sạt băng, tăng khả năng ổn định kết cấu taluy dương.


Đào hố: trước khi trồng 30-45 ngày tiến hành đào hố và bón phân lót, đào hố với kích thước 60cmx60cmx60cm. Lưu ý độ sâu hố trồng phụ thuộc vào tính chất đất, nếu đất có thành phần cơ giới nhẹ, tỷ lệ cát cao nên đào nông 40-50cm, hố sau khi đảo phân lót để ít nhất 30-45 ngày mới tiến hành trồng (hạn chế lún sụt và tụt bầu cây sau khi trồng).
Lưu ý chung:

+ Xác định vị trí đào hố phù hợp trên băng, các hố phải thẳng hàng nhau, đặc biệt nên đào hố, trồng cây lệch về phía taluy dương theo tỷ lệ 6/4 hoặc 6,6-3,4. Việc làm này hạn chế hiện tượng sói đất trên băng, tăng khả năng phát triển rễ hữu hiệu cho mắc ca, tăng kích thước và ổn định đường kính tán từ năm thứ 10-12 trở đi.

+ Với chất đất thoát nước kém, tỷ lệ hạt sét cao không nên đào hố quá sâu rộng. Việc đào hố quá sâu rộng sẽ làm tích tụ nước mưa gây nguy cơ úng thối rễ, nghẹt rễ sinh lý.
Phân bón lót: Sau khi đào và phơi hố 20-25 ngày, sử dụng 15-25kg phân hữu cơ hoai mục trộn đều với 40-45cm đất mặt phía trên hố, phía dưới trộn đều đất đáy hố với vôi bột(0,5kg/hố). Khi lấp hố nên tạo thành mô nổi cao hơn so với đất mặt xung quanh 10-20cm, rộng 50-60cm, sau đó cắm cọc giữa tâm hố, để ít nhất 20-30 ngày mới tiến hành trồng đại trà.
Lưu ý: mô nổi cao hay thấp phụ thuộc vào tính chất đất, lượng phân hữu cơ bón lót và điều kiện tưới tiêu cho cây giai đoạn sau trồng.

5.Kỹ thuật trồng mắc ca
Bước 1: xác định vị trí đặt bầu cây
Tại tâm hố(vị trí cắm cọc trước đó), dùng cuốc đào một hố nhỏ có kích thước lớn hơn bầu cây (rộng 30-40cm, sâu 25-30cm).
Bước 2: Loại bỏ túi bầu và đặt bầu cây vào tâm hố đã đào ở bước 1
Sử dụng dao sắc cắt đáy túi bầu với vết cắt ngọt và gọn đồng thời tiến hành rạch nhẹ nhàng theo chiều dọc bầu cây để loại bỏ túi bầu trước khi đặt cây giống vào hố trồng. Khi trồng nên đặt bầu cây sao cho mặt bầu (cổ rễ) cao hơn so với đất mặt xung quanh từ 3-4cm(hoặc bằng). Chú ý đặt bầu cây nhẹ nhàng và vuông góc với mặt đất, tránh làm vỡ bầu. Mắc ca có bộ rễ tơ, rễ mặt phát triển tập trung chủ yếu ở tầng đất 2-25cm do đó không nên đặt bầu cây quá sâu, có thể gây nghẹt rễ trong điều kiện yếm khí, khiến cho cây còi cọc chậm phát triển, hiệu suất sử dụng phân bón thấp. Việc đặt bầu cây cao, trồng nổi giúp bộ rễ phát triển thuận lợi tuy nhiên cần phải chủ động khâu duy trì độ ẩm đất, tưới nước định kỳ cho cây sau khi trồng. Lưu ý đối với đất có thành phần cơ giới nhẹ (tỷ lệ đất cát cao), không nên đặt bầu cây quá sâu, chống lún sụt – tụt bầu cây sau trồng.
Bước 3: lấp đất phủ kín bầu cây, ổn định bầu cây
Sau khi đặt bầu cây đúng yêu cầu kỹ thuật(bước 2), dùng đất mặt xung quanh phủ kín bầu cây, không để hở cổ rễ. Giữ cây ổn định cần phải dùng tay hoặc chân nén chặt đất xung quanh bầu, tuy nhiên không tác động lực trực tiếp lên bầu cây, tránh làm vỡ hoặc biến dạng bầu cây. Tiếp theo dùng cuốc cào đất mặt xung quanh hướng vào bầu cây, tạo 1 vòng tròn nổi nhô cao hơn so với mặt đất xung quanh 10-15cm, đường kính 60cm (mục đích khi tưới nước hoặc mưa tránh bị úng nước, gây thối rễ, lở cổ rễ và hở bầu). 
Bước 4: Cắm cọc ổn định thân trên của cây, chống nghiêng cây, ổn định cổ rễ, hạn chế tình trạng nong cổ rễ (cọc cắm cố định thân trên của cây mắc ca cần kiểm tra thường xuyên, cọc và thân cần phải được cố định bằng dây mềm, duy trì ít nhất 1 năm sau khi trồng).
Lưu ý chung trong quá trình trồng cây: 
+ Những vùng có điều kiện chủ động về nước tưới, đất có hàm lượng hữu cơ cao nên tiến hành trồng nổi, tức là phần cổ rễ(mặt bầu) có thể đặt cao hơn so với đất mặt xung quanh 3-4cm. Tuy nhiên những vùng có điều kiện tưới tiêu khó khăn, nguồn nước tưới không chủ động thì nên đặt bầu cây thấp hơn so với đất mặt xung quanh 2-3cm.
+ Đối với đất cát, đất có thành phần cơ giới nhẹ, đất có tỷ lệ lún sụt cao nên đặt bầu cây sao cho cổ rễ(mặt bầu) bằng hoặc cao hơn đất mặt xung quanh 5-6cm.
+ Khi lấp đất phải phủ kín phủ bầu, nén đều và ổn định đất xung quanh bầu, không tác động lực trực tiếp vào bầu cây, tạo mô nổi đường kính 50-60 cm xung quanh gốc cây, chủ động nưới tưới sau khi trồng, không để cây thiếu nước.
6.Kỹ thuật chăm sóc mắc ca sau khi trồng
6.1 Thúc bộ rễ mắc ca phát triển khỏe mạnh, chống bó rễ, nghẹt rễ
Mắc ca mang đặc điểm chung của họ Proteacaea là có hệ rễ cám, rễ tơ, rễ ngang ăn nổi, tập trung phần lớn ở tầng đất mặt (3-30cm). Nhìn chung bộ rễ mắc ca yếu và ít cộng sinh với hệ vi sinh vật đất, sau khi trồng bộ rễ thường chậm phát triển ở giai đoạn đầu, gây khó khăn trong việc “tiếp đất, bén rễ”. Do đó sau khi trồng 5-10 ngày cần có các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy bộ rễ phát triển khỏe mạnh ngay từ giai đoạn đầu, giúp cây nhanh bắn đọt cành cấp 1 to khỏe, bộ lá xanh dày tự nhiên, chống bó rễ, nghẹt rễ, thối rễ,…


Mắc ca bị vàng lá, khô cây, bộ rễ chậm phát triển, rễ bị bó, nghẹt và thối

Như vậy sau khi trồng mắc ca cần áp dụng các giải pháp thúc bộ rễ phát triển khỏe mạnh, bổ sung dinh dưỡng đa trung vi lượng dễ tiêu, cải tạo đất vùng rễ cây sinh trưởng. 


Mắc ca được chăm sóc đúng kỹ thuật, bón phân hợp lý cân đối, bộ rễ phát triển khỏe mạnh

Biện pháp triển khai: Dùng 500ml chế phẩm nano AKH Super Plus pha 200lít nước, tưới ẩm gốc, mỗi gốc tưới 2-4 lít nước, định kỳ 7-10 ngày/lần, tưới 2-3 lần liên tiếp. Ngoài ra có thể sử dụng 500ml nano AKH super plus pha 250-300 lít phun qua lá, phun 1 tháng 2 lần (giúp thân lá mắc ca phát triển ổn định, bộ lá xanh dày tự nhiên, cây phát triển bền vững).


Công dụng cơ bản của chế phẩm Nano AKH Super Plus đối với mắc ca: Bổ sung Humic, Fulvic và nhóm dinh dưỡng Đa Trung Vi lượng dạng nano dễ tiêu cho cây. Do chế phẩm nano AKH Super Plus được sản xuất theo công nghệ nano tiên tiến nên bộ rễ mắc ca hấp thu dinh dưỡng rất nhanh (chỉ sau 2-3 ngày tưới đã thấy hiệu quả), qua đó giúp bộ rễ phát triển khỏe mạnh và đồng đều về các phía, chống lệch tán. Trong chế phẩm nano AKH Super Plus có chứa Humic + Fulvic, hệ NPK-S, nano Silic và nano siêu vi lượng giúp bộ rễ phát triển khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, giúp cây phát triển bền vững, chống thối rễ, bó rễ, nghẹt rễ, hạn chế tình trạng vàng lá thối rễ, cải tạo đất xung quanh vùng rễ cây sinh trưởng (đạt hiệu quả tối ưu khi tưới 2-3 lần, cách 7-10 ngày/lần).
Chế độ tưới tiêu cho cây: Quá trình chăm sóc mắc ca sau trồng chú ý duy trì chế độ nước tưới cân đối - phù hợp(đất đủ ẩm), không để cây thiếu nước. Vào mùa mưa cần có các giải pháp thoát nước nhanh cho cây, không để cây úng nước, tụ đọng nước xung quanh bầu cây trong thời gian dài. Ngoài ra cần theo dõi, kiểm tra tình trạng hở bầu và cổ rễ, nếu có cần phủ đất kín bầu và cổ rễ. 
6.2 Kỹ thuật bón phân cho mắc ca
Sau khi tưới nano AKH Super Plus 2 lần, khi cây đạt trạng thái ổn định, bộ rễ đang phát triển lan tỏa đều xung quanh gốc cây (sau trồng 1-1,5 tháng). Thời điểm này tiến hành bón phân  hữu cơ kết hợp phân khoáng NPK.
Trường hợp trồng trên đất xấu, đất nghèo hữu cơ, đất có thành phần hữu cơ thấp, nghèo dinh dưỡng cần bón bổ sung quanh gốc 5-10kg phân hữu cơ ủ hoai mục hoặc bón bổ sung 1,5-2kg phân gà viên nén Nhật.
Định lượng phân bón cho mắc ca sau trồng

Ghi chú: 
+ Trung bình các đợt bón cách nhau 40-45 ngày. 
+ Riêng đợt 2: có thể bón kết hợp NPK 16-16-8 TE với phân hữu cơ hoai mục hoặc phân gà Nhật.
+ Các đợt bón tiếp theo: tùy thực trạng sinh trưởng của cây, điều kiện thời tiết, chất đất từng phân khu sẽ có các chỉ định bón phân tiếp theo.
Kỹ thuật bón phân cho mắc ca:
Nguyên tắc bón phân NPK cho mắc ca: Bón bổ sung dinh dưỡng nuôi cây và bón nhử rễ, bón đúng kỹ thuật, bón đủ và cân đối, bón theo nhu cầu dinh dưỡng của cây, nhìn cây để bón, không bón thừa phân (gây ngộ độc rễ, lá xoăn, dị dạng,...).
Kỹ thuật bón phân: Trước khi bón cần phải tạo rãnh nông nhưng phải đủ rộng, phân bón rắc đều xung quanh gốc, không bón quá gần gốc hoặc cách quá xa gốc, nhìn cây để bón, bón đúng nhu cầu dinh dưỡng từng cây, đất và phân bón cần được trộn đều với nhau trước khi lấp đất mặt, không để phân bón lộ thiên trên mặt (tránh rửa trôi phân và bay hơi qua mặt thoáng). 
Phân hữu cơ bổ sung cải tạo đất, nâng cao hàm lượng hữu cơ cho đất: Sau khi mắc ca trồng 90-100 ngày nên kết hợp phân bón NPK với phân hữu cơ hoai mục hoặc phân gà Nhật (hoặc phân hữu cơ cá hồi Nauy). Lượng phân NPK bón theo hướng dẫn bảng 1. Phân hữu cơ bón bổ sung 8-12kg/cây hoặc 1-1,5kg phân gà Nhật(phân cá hồi Nauy).
Những lưu ý khi triển khai bón phân NPK cho mắc ca:
+ Nếu bón NPK cùng phân hữu cơ, cần rải đều phân thành từng lớp sau đó trộn đều hỗn hợp phân NPK và phân hữu với lớp đất mặt trước khi bón.
+ Lượng phân bón từ đợt 2 trở đi có thể thay đổi tùy thuộc vào hiệu quả bón phân của đợt 1, tùy thực trạng cây và diễn biến thời tiết tại thời điểm bón.
+ Không nên bón phân NPK quá sớm hoặc quá muộn, cần khảo sát kiểm tra thực trạng cây, có đánh giá sức sinh trưởng sinh dưỡng của cây (bộ rễ + đọt non) trước khi đưa ra định lượng phân bón và thời gian bón phân cho cây. Bón phân NPK quá sớm có thể lãng phí phân bón và gây ngộ độc rễ, bó rễ, cây có thể bị vàng lá thối rễ do sử dụng phân bón sai kỹ thuật hoặc không phù hợp. Bón phân khoáng NPK quá muộn có thể làm cây bị đói dinh dưỡng, các cành cấp 1 phát triển không đều, cành nhỏ yếu, phát tán chậm, lực cây không khỏe dẫn đến kéo dài thời kỳ kiến thiết cơ bản. Bón phân không cân đối các yếu tố đa lượng NPK, trung vi lượng có thể làm cho cây phát triển không ổn định (lá mở không hoàn toàn, lá giòn nhỏ, đọt non chậm phát triển nếu bón dư Kali và thiếu đạm). Bón quá liều lượng phân NPK so với tuổi cây có thể gây ngộ độc phân, gây xoăn lá, xoăn đọt non, lá phát triển dị dạng,...
Các thời kỳ tiếp theo sẽ có chỉ định cụ thể dựa vào thực trạng sinh trưởng phát triển của cây.
Lưu ý chung: Mắc ca rất mẫn cảm với phân bón NPK, việc bón không đúng kỹ thuật, không đúng nhu cầu dinh dưỡng có thể gây ngộ độc cây (xoăn lá, lá dị dạng, lá mở không đều). Ngoài ra việc bón vôi cho mắc ca cũng cần dựa vào tính chất đất. Nếu bón thừa vôi sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thu Đạm và Lân, cố định lân trong đất thành dạng khó tiêu.

Phần tiếp theo: Kỹ thuật chăm sóc cây giai đoạn kiến thiết (bón phân, quản lý cỏ dại, cắt tỉa)

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO NANOTECH

Tư vấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp:

ThS Phạm Công Khải - Hotline: 0976 804 678 * 0835 99 85 99

Email: nanobacsuper@gmail.com