Kỹ thuật chăm sóc bưởi Diễn thời kỳ kinh doanh

1- Kỹ thuật xử lý bưởi Diễn ra hoa tập trung, hạn chế phát sinh phát triển lộc Đông

1.1 Khoanh vỏ cây (tiện vỏ cây)

1.1.1 Mục đích, yêu cầu

+ Làm đứt phần vỏ (libe) của cây, ngăn chặn “tạm thời” khả năng vận chuyển dinh dưỡng từ bộ rễ lên các bộ phận trên mặt đất qua đó hạn chế quá trình phát sinh, phát triển lộc Đông.

+ Đưa cây vào trạng thái ngủ nghỉ, chuẩn bị bước sang thời kỳ phân hóa mầm hoa.

+ Làm tăng chất lượng quả (quả ngọt hơn) nếu xử lý đúng thời điểm (trước thu hoạch 10-15 ngày). (*)

1.1.2 Thời điểm khoanh vỏ

Việc khoanh vỏ trên bưởi là một biện pháp “bất khả kháng”. Tuy nhiên nếu không khoanh vỏ thì khả năng phát sinh mầm lộc đông rất cao, khó đưa cây vào trạng thái ngủ nghỉ. Những năm rét đến sớm (nhiệt độ đủ thấp), mưa kết thúc sớm (điều kiện hanh khô) là điều kiện thuận lợi cho cây bước vào thời kỳ ngủ nghỉ, hạn chế sinh trưởng sinh dưỡng. Thông thường khi cây có múi nói chung đã qua thời kỳ ngủ nghỉ thì khả năng phân hóa mầm hoa đồng đều, tập trung là rất cao. Do đó tùy vào điều kiện thời tiết và tình trạng sinh trưởng của cây (xét tại thời điểm trước thu hoạch 15-20 ngày và ngay sau khi thu hoạch) để chúng ta có quyết định khoanh vỏ hay không. Khoanh vỏ đôi khi ảnh hưởng đến sức sinh trưởng và sức bền của cây, ảnh hưởng đến khả năng giữ quả non ở đầu vụ. Thực tế cho thấy với những năm rét đến sớm, ít mưa (mưa kết thúc sớm) thì hầu như không cần tác động biện pháp khoanh vỏ cây mà chỉ cần cải tạo đất xung quanh vùng rễ cây sinh trưởng (cuốc xới làm đứt một phần rễ non xung quanh hình chiếu tán của cây). Bởi chính điều kiện  thời tiết (nhiệt độ thấp) sẽ làm cây sinh trưởng phát triển chậm lại, nói cách khác là điều kiện tự nhiên (nhiệt độ thấp, ẩm không khí thấp, khô hanh) sẽ đưa cây vào trạng thái tạm ngừng sinh trưởng một thời gian ngắn (ức chế sinh trưởng sinh dưỡng, chuẩn bị chuyển sang sinh trưởng sinh thực) lúc này các chất dinh dưỡng từ đất (qua bộ rễ) sẽ hạn chế đưa lên các bộ phận trên mặt đất (thân, lá) do đó làm giảm khả năng phát sinh, phát triển lộc Đông, đưa cây vào trạng thái “ngủ nghỉ”. Muốn bưởi Diễn ra hoa đồng đều, tập trung, tỷ lệ đậu quả cao thì cần phải tạo cho cây có một khoảng thời gian nhất định để “ngủ nghỉ đông” do vậy không nên thu hoạch quá muộn vừa ảnh hưởng đến chất lượng quả, vừa ảnh hưởng đến khả năng phân hóa mầm hoa sau này.

Tuy nhiên với những năm rét muộn (ấm nóng, độ ẩm cao), mưa kết thúc muộn bưởi Diễn sẽ phát triển không theo quy luật mùa vụ: Lộc phát sinh sớm và tập trung nhiều tại thời điểm trước khi thu hoạch 15-30 ngày, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng phân hóa mầm hoa (mất đợt hoa 1, mất mùa ở vụ kế tiếp) đồng thời làm giảm chất lượng quả nghiêm trọng (bưởi nhạt, tép khô, quả to, vỏ dày, màu sắc vỏ quả xấu, độ đồng đều kém, quả chín muộn…). Chính vì vậy chúng ta cần phải can thiệp các biện pháp kỹ thuật tác động đồng thời như khoanh vỏ kết hợp với chặt rễ.

Thời điểm khoanh vỏ: tùy tình trạng của cây để đưa ra thời điểm thích hợp

Thứ nhất: khoanh vỏ trước khi thu hoạch 10-15 ngày.

Quan sát sức sinh trưởng của cây và diễn tiến của thời tiết trong phạm vi 10-15 ngày kế tiếp. Nếu cây sinh trưởng mạnh có dấu hiệu phát triển lộc đông, bộ lá cây xanh dày bóng, bản lá (phiến lá) to bất thường cộng thêm thời tiết ấm kéo dài, độ ẩm cao thì nên tiến hành khoanh vỏ các cành cấp 1, chọn lọc cành khỏe để khoanh, cành nhỏ, yếu thì để lại, không nên khoanh tất cả số cành cấp 1 trên cây (chống sốc dinh dưỡng). Sau khi thu hoạch có thể kiểm tra lại một lần nữa nếu thấy cần thiết thì khoanh tiếp đợt 2. Lưu ý việc khoanh vỏ trước thu hoạch cần phải cẩn thận, khoanh đúng kỹ thuật nếu không sẽ làm rụng quả.

Thứ hai: Khoanh vỏ ngay sau khi thu hoạch

     Với những cây mang nhiều quả, khả năng phát triển lộc ở mức trung bình, có thể kiểm soát được thì nên để sau khi thu hoạch mới khoanh vỏ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến khả năng mang quả của cây (rụng quả trước thời điểm thu hoạch).

Như vậy biện pháp khoanh vỏ áp dụng sớm hay muộn tùy thuộc vào sức sinh trưởng và năng suất quả của từng cây,  đặc biệt là điều kiện thời tiết khí hậu. Những năm rét muộn, mưa kéo dài, độ ẩm cao thường xuyên liên tục…cần chủ động khoanh vỏ sớm kể cả đối với cây đang mang quả. Tựu chung lại khi khoanh vỏ cần lưu ý những vấn đề sau đây:

+ Với cây đang mang nhiều quả, khi thực hiện biện pháp khoanh vỏ sớm có thể làm quả rụng. Để khắc phục tình trạng này bà con nên áp dụng khoanh từng phần (chọn lọc từng cành). Với những cành sinh trưởng mạnh, lá xanh, dày, nhiều cành vượt, cành mang ít quả nên khoanh sớm.

+ Với những cây mang ít quả hoặc năm trước bị mất mùa cần tiến hành cắt tỉa tạo tán thông thoáng theo hướng tán mở (ánh sáng có thể chiếu vào trong tán), hạn chế sâu bệnh, tăng sức đề kháng cho cây. Sau đó tiến hành khoanh vỏ sớm hơn so với những cây sai quả.

+ Chọn lọc từng cây để khoanh vỏ, việc khoanh vỏ thường áp dụng với cây khỏe, sinh trưởng mạnh, với những cây yếu cần xem xét trước khi khoanh hoặc khoanh 60-80%  số cành trên cây.

1.1.3 Kỹ thuật khoanh vỏ

      Khi khoanh vỏ nên khoanh theo kiểu một vòng tròn khép kín 360o và chỉ làm đứt phần vỏ với một khoảng rộng vừa đủ tùy theo đường kính thân, cành (khoanh vừa chạm gỗ, không ăn sâu vào gỗ). Nếu bắt buộc phải khoanh 2 vòng liên tiếp thì vòng nọ cách vòng kia 15-20cm, khoanh xong tuyệt đối không bóc vỏ. Nếu cây có nhiều cành cấp 1, bộ lá dày, có màu xanh đen, biểu hiện sinh trưởng mạnh thì khoanh từng cành cấp 1 (khi khoanh có thể để lại cành nhỏ và yếu nhất), có thể khoanh luôn đồng thời 2 vòng, mỗi vòng cách nhau 15-20cm. Nếu cây phát triển bình thường, sinh trưởng không quá mạnh thì khoanh một vòng (thực hiện khoanh 1 vòng duy nhất trên cành). Khi khoanh chú ý vết khoanh gọn, không bị nát phần vỏ, vết khoanh không quá rộng, không quá hẹp, đảm bảo vết khoanh liền nhanh khi cần thiết.

Khoanh vỏ xong, dùng SHELLAC SUGER 1000 quét trực tiếp vết khoanh. Tác dụng điều tiết sinh trưởng, hạn chế Lộc phát triển và nấm bệnh xâm nhập qua vết khoanh vỏ đồng thời chống sốc dinh dưỡng sau khi khoanh vỏ cây. Khi vết khoanh đã khô, dùng băng keo màu đen cuốn chặt vết khoanh.

1.2 Chặt rễ, xử lý bộ rễ, cải tạo đất vùng rễ

1.2.1 Mục đích

+ Loại bỏ hoocmone Cytokinin có trong phần rễ non của cây qua đó ức chế phát sinh lộc đông, tạo điều kiện ngủ nghỉ (ủ mầm hoa), thúc đẩy ra hoa đồng đều, tập trung thành từng đợt.

+ Loại bỏ một phần nấm bệnh tồn tại trên phần rễ non, lông hút của cây (phần rễ này làm việc khá nhiều trong một năm do đó thường xuyên phát sinh nguồn bệnh).

+ Kích thích quá trình phát sinh, phát triển rễ tôm (rễ hút mới) của cây ở vụ kế tiếp, tăng cường khả năng hấp thụ dinh dưỡng nuôi hoa, quả, hạn chế rụng quả sinh lý, giảm tỷ lệ khô quả, tăng chất lượng quả.

Lưu ý: Nên kết hợp giữa khoanh vỏ và chặt rễ nếu cây sinh trưởng quá mạnh, thời tiết ấm kéo dài, mưa kết thúc muộn, theo dõi sâu sát tình trạng phát triển của cây, chủ động kìm hãm quá trình phát triển Lộc Đông.

1.2.2 Thời điểm chặt rễ

+ Với cây bưởi tơ: làm sớm từ trung tuần tháng 10 đến 10 -15 tháng 11 âm lịch, thời gian tiến hành sớm hay muộn tùy sức sinh trưởng của cây và điều kiện thời tiết.

+ Với cây bưởi kinh doanh, cây đang mang quả: Sau thu hoạch, cắt tỉa tạo tán thông thoáng (tán mở), loại bỏ cành tăm, cành vượt, cành sâu bệnh sau đó tiến hành chặt rễ ngay, không nên xử lý quá muộn, đặc biệt với những năm có mưa kéo dài và rét muộn.

1.2.3 Kỹ thuật chặt rễ

Thông thường để đạt hiệu quả cao người làm vườn cần chủ động theo dõi sức sinh trưởng của cây, điều kiện thời tiết qua đó đưa ra những biện pháp kỹ thuật tác động phù hợp cho từng cây. Các kỹ thuật tác động cơ giới cần được áp dụng linh động, đôi khi cần kết hợp một vài biện pháp kỹ thuật đồng thời mới đem lại hiệu quả cao. Có hai phương án để bà con lựa chọn:

Phương án 1: trước khi thu hoạch 10-15 ngày, tiến hành khoanh vỏ trước. Sau khi thu hoạch, cắt tỉa tạo tán thông thoáng sau đó chặt rễ sau (cuốc sâu, rộng 30-35cm). Phương pháp này áp dụng khi cây đang mang nhiều quả (sai quả), khoanh vỏ trước thu hoạch sẽ làm chất lượng quả tăng lên(quả ngọt hơn). Các bước khoanh vỏ nên làm nhẹ nhàng, cẩn thận, khoanh vỏ vào ngày nắng, khô. Khi khoanh chú ý chỉ khoanh đứt phần vỏ, vừa chạm gỗ, không ăn sâu vào gỗ. Khoanh vỏ không đúng kỹ thuật, khoanh quá sâu sẽ gây rụng quả nếu gặp điều kiện thời tiết bất lợi. Đối với những cây sinh trưởng quá mạnh nên khoanh chọn lọc từng cành cấp 1 và khoanh 70-90% số cành trên cây, để lại cành nhỏ và yếu.

Phương án 2: Với cây mang ít quả, cây bưởi tơ hoặc cây bị mất mùa có thể kết hợp khoanh vỏ và chặt rễ cùng một thời điểm để hãm lộc đông hiệu quả hơn, đồng thời tạo cho cây bước vào ngủ nghỉ sớm, có thời gian ủ mầm hoa, sau này mầm hoa phân hóa đồng đều và khỏe mạnh. Những năm có mưa kết kéo dài và rét muộn (ẩm và ấm kéo dài) bà con nên tiến hành làm sớm vào khoảng cuối tháng 10 đến trước 20-25/11 âm lịch. Đồng thời chủ động thu hoạch Bưởi sớm hơn, trước 15-25/11 âm lịch (với bưởi Diễn muộn).

Kỹ thuật chặt rễ và xử lý rễ: Trước khi cuốc rễ cần tiến hành cắt tỉa tạo cho tán thông thoáng

Bước 1: Cuốc sâu, rộng  20-35cm theo hình chiếu tán của cây, khi cuốc những nhát cuốc đầu tiên nếu thấy mật độ rễ xuất hiện với số lượng ít cần phải cuốc sâu dần vào bên trong theo hướng từ ngoài vào phía gốc, khi nào thấy các rễ non, rễ cám, rễ tơ bị đứt là đạt yêu cầu (toàn bộ phần rễ non mép ngoài tán cần phải loại bỏ). Sau đó xiết nước (không tưới nước, tạo khô hạn cho cây). Lưu ý nếu tại thời điểm cuốc rễ, nếu đất còn ẩm cần phải tạo rãnh sâu giữa các hàng, giữa các cây để hơi nước thoát nhanh, đất càng khô nhanh càng tốt. Sau đó dùng các loại thuốc trừ nấm khuẩn đặc hiệu phun trực tiếp vào phần rễ vừa chặt, phòng trị nấm khuẩn gây bệnh hại bộ rễ. Sau 2-3 ngày dùng vôi bón xung quanh gốc (phần đã cuốc), lượng ít hay nhiều phụ thuộc tính chất đất từng vùng. Để đạt hiệu quả cao nên sử dụng thuốc trừ nấm khuẩn đặc hiệu, chọn lọc những dòng sản phẩm không độc hại, thân thiện với môi trường và không làm kìm hãm quá trình phát sinh, phát triển của bộ rễ. Các sản phẩm trừ nấm khuẩn gây bệnh đặc hiệu: AKH SUPER, NANO BẠC SUPER, NANO OXYCLORUA ĐỒNG, NANO HỢP KIM BẠC ĐỒNG,…các dòng SP này được sản xuất và ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm sạch, không độc hại, khuyến cáo nên sử dụng thay thế cho các loại thuốc BVTV hóa học (thường làm chai đất và tồn dư kim loại nặng khá lâu trong đất, khó phân giải).

    Sau khi cuốc rễ, dùng nước vôi đặc quét lên xung quanh gốc cây, hạn chế côn trùng (xén tóc đẻ trứng và nở thành ấu trùng), chúng thường tồn tại ở những kẽ hở của vỏ thân cây, sau này nở thành sâu non gây hại các bộ phận thân, cành còn non (sâu đục thân).

Bước 2: Không nên lấp đất ngay, để phơi khô đất xung quanh vùng rễ từ 10-20 ngày. Mục đích của việc làm này là để bộ rễ cây thông thoáng, tăng khả năng trao đổi khí, diệt mầm bệnh xung quanh gốc.

Bước 3: Sau khi phơi 15-20 ngày, quan sát nếu cây có dấu hiệu chậm sinh trưởng thì lấp đất, tiến hành bón lót hỗn hợp phân sau:

+ Dùng 10-40kg phân chuồng hữu cơ ủ hoai mục (lượng nhiều hay ít tùy tuổi cây, năng suất quả).

+ Dùng 1-1,5kg phân lân (lân đơn - P2O5), lượng phân ít hay nhiều tùy thuộc vào tuổi cây, năng suất thực thu.

Lượng phân bón trên trộn đều với đất xung quanh gốc rồi lấp lại, bón cách xa 10-20cm phần rễ  đã chặt đứt (đây là phương pháp bón nhử, mục đích làm tăng cường khả năng phát sinh – phát triển rễ mới, rễ tôm  ở năm sau).

Sau 7-10 ngày bón thêm đậu tương nghiền lên trên mặt (1-3kg/cây, tùy tuổi cây) xung quanh hình chiếu của tán cây và phủ một lớp đất bột lên phần đậu tương vừa bón. Bón lót đầy đủ cân đối dinh dưỡng đa, trung, vi lượng, sau 1-1,5 tháng cây mới có khả năng hấp thu dinh dưỡng. Thời kỳ cây hấp thu được dinh dưỡng bón lót phải trùng vào thời kỳ ra hoa đậu quả, nuôi quả non. Nếu sau khi xử lý cuốc rễ kết hợp khoanh vỏ mà gặp ngay điều kiện thời tiết bất lợi (thời tiết cực đoan_nhiệt độ xuống thấp đột ngột), cây bị sâu bệnh…sẽ làm ra tăng khả năng phát sinh hoa dị hình, đồng thời àm giảm tỷ lệ đậu quả, khó giữ quả.

Lưu ý chung:

+ Nếu đất bề mặt bị dí chặt nên xới nhẹ bề mặt xung quanh dưới gốc cây, tạo thuận lợi cho quá trình trao đổi khí với bộ rễ.

+ Không nên bón trực tiếp vào phần rễ vừa chặt, cần phải trộn với đất trước khi lấp.

+ Nếu bón vôi nên rắc trực tiếp vào phần rãnh vừa cuốc đất lên. Cách thời điểm bón phân hữu cơ, lân khoảng 15-20 ngày (không bón đồng thời lân và vôi, thường sẽ bị kết tủa, chuyển thành dạng khó tiêu, khó tan).

+ Trong thời gian chặt rễ, khoanh vỏ  cần áp dụng các biện pháp xiết nước triệt để (không tưới nước).

+ Sau khi cuốc rễ cần phải xử lý rễ bằng các chế phẩm phòng trị nấm khuẩn gây bệnh.

2- Chăm sóc bưởi Diễn thời kỳ ra hoa, đậu quả, nuôi quả và phát triển quả

2.1 Yêu cầu kỹ thuật

+ Hoa không cần quá sai, hoa phải phân bố đồng đều về các phía, tỷ lệ hoa hữu hiệu cao, ít hoa dị hình. Tỷ lệ đậu quả cao, cây sai quả, trọng lượng quả trung bình 400-800g/quả là đạt yêu cầu, không nên để quả quá to, vỏ dày, tép khô, phát triển mất cân đối.

+ Chùm hoa phân hóa trên cành mẹ năm sau phải được nuôi từ lộc hè và lộc thu năm trước (vào tháng 5-6 năm trước).

+ Mầm hoa và hoa phân hóa đúng thời vụ, không quá sớm, không quá muộn. Nếu hoa phát triển muộn thường sẽ gặp những đợt mưa ẩm kéo dài ở đầu vụ làm hoa thối hỏng, rụng hàng loạt (trường hợp này xảy ra khi thu hoạch quá muộn). Những năm mưa kéo dài, rét muộn thường thấy lộc hoa hoặc lộc đông phát sinh, phát triển mạnh (tháng 10-11 âm lịch), hoa ra thời điểm này có thể đậu quả ngay sau 1-2 tuần tuy nhiên các đợt quả này thường không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng vì vậy bà con cần loại bỏ sớm. Do đó để ngăn chặn tình trạng ra hoa sớm, đậu quả không đúng thời vụ (trong năm, vào tháng 11 âm lịch) bà con cần thường xuyên kiểm tra vườn, sức sinh trưởng của từng cây để chủ động đưa ra các biện pháp kỹ thuật tác động với mục đích kìm hãm lộc đông hoặc lộc hoa phát sinh quá sớm (tháng 12 âm lịch).

Lưu ý: Tất cả các chùm hoa đậu quả trước lập xuân đều nên loại bỏ sớm, vì quả sẽ không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Bưởi thường ra nhiều đợt hoa, nếu đợt hoa 1 gặp điều kiện bất lợi từ thời tiết(mưa ẩm kéo dài ở đầu vụ) sẽ làm suy giảm sức sống của hạt phấn, hạt phấn bị chết, nấm bệnh phát triển mạnh làm thối rụng hoa hàng loạt. Ngay sau đó ít ngày nếu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi bưởi Diễn sẽ phát sinh, phát triển đợt hoa kế tiếp (hoa 2) tuy nhiên những đợt hoa tiếp theo (hoa 3-4) thường không cho chất lượng quả cao, nếu để sẽ ảnh hưởng tới vụ sau.

2.2 Những nguyên nhân dẫn đến rụng hoa, quả non

Thời kỳ ra hoa đến hoa nở rộ nếu gặp mưa nhiều, ẩm cao, trời âm u, thiếu ánh sáng, nhiệt độ xuống thấp sẽ thúc đẩy nấm khuẩn gây bệnh phát sinh, phát triển mạnh gây bệnh thối nhũn hoa, suy giảm chức năng hạt phấn, bệnh diễn biến nặng gây rụng hoa hàng loạt.

Ngoài ra trong nước mưa có hàm lượng acid cao(H+) làm hạt phấn hỏng, nhụy mất chức năng sinh lý. Khi điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp theo hướng bất lợi như mưa ẩm kéo dài, thời tiết âm u, thiếu ánh sáng sẽ thúc đẩy quá trình hình thành “tầng rời” làm cho cuống hoa teo lại dẫn đến hoa và quả non rụng hàng loạt, rất khó kiểm soát, có nhiều chùm hoa rụng 100% số quả. Vậy tại sao trong điều kiện thời tiết bất lợi như đã nêu ở trên lại dẫn đến hiện tượng teo cuống, hình thành tầng rời sau vài ngày và như thế hiện tượng rụng quả sẽ chỉ là vấn đề thời gian.

Có thể chỉ ra các nguyên nhân gây nên hiện tượng rụng hoa, quả non như sau:

+ Nguyên nhân thứ nhất: Điều kiện bất lợi của thời tiết, kèm theo sự phát triển mạnh của nấm khuẩn gây bệnh khiến cho chức năng sinh lý của hoa bị suy giảm. Khi hoa không còn giữ vai trò di truyền nói cách khác không còn khả năng thụ phấn, thụ tinh thì chúng sẽ bị loại thải và việc hình thành tầng rời là điều tất yếu để loại bỏ những chùm hoa không còn sức sống, không còn khả năng đậu quả.

+ Nguyên nhân thứ hai: Do hoa ra quá sai, sức chịu đựng của cây có hạn đặc biệt trong điều kiện bất lợi (nhiệt độ thấp, thừa ẩm) sẽ làm cho bộ rễ thường xuyên phải chịu một áp lực nuôi quả, thân, cành, lá… đấy là chưa kể đến tình trạng bộ rễ, nếu bị nghẹt rễ, thừa ẩm, thiếu oxi thì khả năng rụng hoa, quả non còn khó kiểm soát hơn rất nhiều (vì khi mưa nhiều, đất thừa ẩm khả năng thiếu oxi trong đất luôn luôn ở tình trạng báo động). Do đó việc hình thành tầng rời để loại bớt một phần “cơ thể” để duy sức sống, sự tồn tại của cây cũng là điều bình thường theo quy luật thích nghi của thực vật hai lá mầm.

+ Nguyên nhân thứ ba: Trong nước mưa thường có hàm lượng acid nhất định(H+). Chính hàm lượng acid dù nhỏ này (tích tiểu thành đại) làm cho nhóm tế bào vỏ quả bị acid hóa (cháy quả) từ đó quả không thể phát triển tiếp được (đứng quả), sau một thời gian ngắn chúng cũng sẽ bị rụng.

Ngoài ra lượng acid trong mưa cũng làm cho Canxi trong tế bào tầng rời giảm mạnh (chúng bị hòa tan, bị di chuyển thành những ion linh động). Mà Canxi là một nguyên tố dinh dưỡng trung lượng quan trọng cần bổ sung và không thể thiếu ở thời kỳ ra hoa đậu quả đối với bất kỳ cây ăn quả thân gỗ nào. Canxi được xem là một chất keo “xi măng” liên kết chặt chẽ các tế bào tầng rời khiến chúng trở lên bền vững hơn. Do vậy ở thời kỳ phân hóa mầm hoa đến hoa rộ, đậu quả non các nhà vườn cần phải chú ý bổ sung hàm lượng Canxi dễ tiêu kết hợp với các yếu tố vi lượng khác sao cho cân đối phù hợp. Đa số các đạng canxi hiện nay trên thị trường được bán dưới dạng phân bón lá có hỗn hợp với một số thành phần trung, vi lượng khác tuy nhiên các dạng canxi này hầu hết tồn tại dưới dạng ion (Ca2+), khi phun qua lá các ion Ca2+ này thường bị oxi hóa hoặc bị các acid yếu như acid H2CO3 làm kết tủa ở dạng không tan, khó hấp thu(dạng bất động). Chính vì vậy nhiều bà con trong quá trình chăm sóc cây ăn quả vẫn bổ sung Canxi nhưng lại không đạt được hiệu quả cao, quả non vẫn rụng, vẫn hình thành tầng rời. Do đó khi bổ sung Canxi cho cây nhất là giai đoạn ra hoa, đậu quả các nhà vườn nên bổ sung các dạng dễ hấp thu, các dạng có tính chất giải phóng Canxi (Ca2+) liên tục ở mọi điều kiện cho dù là điều kiện thời tiết không thuận lợi như thế mới bổ sung kịp thời Canxi cho cây, giúp cây vượt qua được các điều kiện thời tiết bất lợi về thời tiết. Và Canxi Nano đáp ứng được các yêu cầu khắt khe đó. Hiện nay có 2 dạng Canxi Nano, hai dạng này vừa bổ sung canxi dễ tiêu, vừa có khả năng trung hòa mưa acid làm giảm hiện tượng acid hóa hoa và quả non. Nano – canxi cacbonate có hoạt tính hóa học cao nên dễ phản ứng để trung hòa axit ngay cả ở môi trường axit yếu pH = 5-6. Nano canxi cacbonate sử dụng trong phân bón lá làm tăng hiệu suất của quá trình quang hợp và bổ sung canxi cho qua bộ lá của cây. Khi ở kích thước nano mét các hạt Nano-CaCO3 bám vào kẽ lá và phân hủy trong môi trường khí CO2 (H2CO3) tự nhiên đồng thời giải phóng khí CO2 tăng đến 40% tại kẽ lá tạo nguyên nguồn nguyên liệu (CO2) dồi dào cho quá trình quang hợp và bổ sung canxi cho cây trồng:

                               Nano-CaCO3  +  H2CO3 = Ca+2  +  2CO2↑  +  H2O

+ Nguyên nhân thứ tư: Thời tiết âm u kéo dài, thiếu ánh sáng sẽ làm cho “độ đóng mở” của khí khổng  bị ảnh hưởng theo chiều hướng không thuận lợi cho quá trình quang hợp, như thế quá trình hấp thu khí CO2 của cây bị cản trở. Tất cả những điều này sẽ làm giảm hiệu suất quang hợp của cây. Khi hiệu suất quang hợp giảm sẽ kéo theo quá trình vận chuyển, tích lũy dinh dưỡng về cơ quan dự trữ (hoa, quả) giảm theo làm cho hoa, quả non thiếu dinh dưỡng cục bộ gây ra hiện tượng chậm hoặc ngừng sinh trưởng quả từ đó góp phần tạo nên hiện tượng rụng hoa, quả non.

+ Nguyên nhân thứ năm: Do chăm sóc không đúng kỹ thuật, bón phân không cân đối đầy đủ đặc biệt thừa dinh dưỡng đa lượng sẽ dẫn tới đẩy quả (rụng quả). Bưởi Diễn cùng với cam đường là một loại cây có múi cực kỳ khó tính. Ở thời ra hoa, đậu quả (rụng hết cánh hoa) nếu thừa dinh dưỡng hoặc bổ sung qua lá dinh dưỡng không cân đối sẽ dẫn đến mất cân bằng sinh trưởng – phát triển: ra tăng (ưu tiên) quá trình sinh trưởng sinh dưỡng, giảm đột ngột (ức chế) quá trình sinh trưởng sinh thực dẫn đến rụng quả hàng loạt(dinh dưỡng nuôi quả không được ưu tiên).

+ Nguyên nhân thứ sáu: Do phương pháp nhân giống. Thực tế nghiên cứu và theo dõi cho thấy với những giống Diễn được trồng bằng cành chiết thì tỷ lệ đậu quả và giữ quả cao hơn do với Diễn ghép (xét trong điều kiện cùng giống, cùng điều kiện tự nhiên). Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng giống Diễn ghép tuy ban đầu có lợi thế là bộ rễ to khỏe nhưng trong quá trình sinh trưởng và phát triển đặc biệt ở thời kỳ ra hoa đậu quả chúng thường có xu hướng sinh trưởng khó “hòa hợp” (đẩy nhau) do cơ thể được ghép từ 2 nguồn cá thể khác nhau cho nên chúng thường xảy ra hiện tượng biến nạp gene nói cách khác sự dung hòa giữa 2 cá thể trong cùng một cây thường khó hơn và phải trải qua nhiều năm. Giống chiết được tách nguyên bộ gen 2n của cây mẹ và không xảy ra tình trạng đẩy nhau nào nên về mặt di truyền sẽ ổn định hơn qua các thời kỳ sinh trưởng phát triển.

Như vậy trong kỹ thuật chăm sóc bưởi Diễn nói chung bà con cần phải nắm rõ và hiểu biết những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng rụng quả non để có biện pháp phòng ngừa chủ động.

2.3 Khắc phục hiện tượng bưởi Diễn đậu quả nhưng không phát triển hoặc chậm phát triển

      Rất nhiều nhà vườn có kỹ thuật chăm sóc tốt, chủ động trong các khâu phòng trừ sâu bệnh, cây tương đối khỏe, đẹp. Tuy nhiên sau thời kỳ hoa rộ, rụng cánh hoa và đậu quả non đôi khi thấy hiện tượng quả đã đậu nhưng sau một vài ngày mãi không thấy quả phát triển, hiện tượng này còn gọi là "đứng quả" nói cách khác cây "bỏ quả" trong điều kiện bất khả kháng. Chỉ sau một vài ngày quả sẽ bị teo đi (bề mặt quả không còn nhẵn bóng) và rụng (do hình thành tầng rời cuống, cuống thắt eo, nhỏ lại). Đặc biệt thời khi gặp tiết âm u, mưa ẩm nhiều, thiếu ánh sáng thì hiện tượng quả chậm phát triển hay gần như không thấy phát triển diễn ra phức tạp hơn, khó kiểm soát và rụng hàng loạt cả cuống trong sau 3-7 ngày.  Như vậy hiện tượng bưởi Diễn bị “đứng quả” tại thời điểm rụng hết cánh hoa là một vấn đề cần quan tâm trong quá trình chăm sóc, bởi nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời thì quá trình rụng quả non chỉ là vấn đề thời gian (diễn ra sớm hay muộn). Vậy nguyên nhân và cách khắc phục như thế nào?

Trước hết chúng ta cần phải tìm hiểu nguyên nhân gây ra hiện tượng này qua đó đưa ra các biện pháp kỹ thuật chăm sóc kịp thời

Nguyên nhân thứ nhất: Do sâu bệnh phát sinh, phát triển mạnh, nhà vườn không kiểm soát được (đặc biệt là nấm khuẩn gây bệnh kết hợp với bộ lá bị rệp muội).

Thời kỳ ra hoa, đậu quả bưởi Diễn rất mẫn cảm với sâu bệnh (dễ bị sâu bệnh tấn công). Sâu bệnh gây hại bộ rễ, lá khiến cây trồng không thể hấp thu dinh dưỡng kịp thời nuôi các bộ phận trên mặt đất (hoa, quả non…) đồng thời gây cản trở quá trình quang hợp, tích lũy dinh dưỡng nuôi quả. Nói cách khác khi bị sâu bệnh cây trồng nói chung thường có phản ứng tự vệ, lúc này chúng tập trung toàn bộ “sức lực” để chống lại sâu bệnh cho nên dinh dưỡng về quả tạm thời bị ngưng (gián đoạn), dinh dưỡng nuôi quả bị thiếu kết hợp với mất cân bằng giữa các yếu tố dinh dưỡng là điều kiện cản trở quá trình phát triển quả, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời thì việc quả chậm lớn hoặc ngừng lớn và sau đó rụng cả cuống trong chỉ là vấn đề thời gian.

Nguyên nhân thứ hai: Do mất cân bằng dinh dưỡng làm gia tăng sự đối kháng giữa các nhóm dinh dưỡng, tạo nên sự không thuận lợi cho quá trình quang hợp của cây. Gây nên hiện tượng rối loạn sinh lý cây trồng.

Nguyên nhân thứ ba: Do bộ rễ bị nghẹt trong điều kiện độ ẩm bão hòa liên tục. Khi thiếu oxi các phản ứng sinh lý của cây trồng (hô hấp) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quá trình hô hấp yếm khí (thiếu oxi) diễn ra thường xuyên sẽ làm cây bị “đuối lực”, sức đề kháng và sức chống chịu kém. Nói cách khác khi quá trình hô hấp của bộ rễ bị ảnh hưởng do thiếu oxi thì năng lượng (ATP) của cây trồng  được tạo ra từ quá trình hô hấp bị giảm sút đồng thời sản sinh ra những hợp chất hữu cơ gây ngộ độc cho cây. Khi thiếu năng lượng từ quá trình hô hấp thì các bộ phận trên mặt đất (hoa, quả,…) không có nguồn dưỡng chất nuôi chúng nên gây ra tình trạng chậm phát triển hoặc ngừng hẳn.

Nguyên nhân thứ tư: Do sự bất lợi của điều kiện thời tiết(mưa nhiều, ẩm cao, thiếu ánh sáng) làm cản trở quá trình quang hợp của cây. Khi hiệu suất quang hợp giảm đồng nghĩa với việc dinh dưỡng tích lũy về quả bị hạn chế. Do đó quả phát triển rất chậm hoặc ngừng hẳn ngay sau khi rụng cánh hoa.

Chúng ta đã biết quang hợp là quá trình tổng hợp các chất vô đơn giản cơ từ tự nhiên thành các hợp chất hữu cơ phức tạp rồi chuyển về các cơ quan dự trữ như củ, quả. Điều kiện để quá trình quang hợp xảy ra là bộ lá phải khỏe mạnh (có diệp lục), thuận lợi đón ánh sáng, có ánh sáng trực xạ, có khí CO2, khí khổng phải mở liên tục khi có ánh sáng trực xạ…Tuy nhiên trong điều kiện thời tiết âm u, thiếu ánh sáng, mật độ cây quá dày thì quá trình quang hợp bị cản trở. Như vậy thời kỳ này cần tăng cường khả năng hấp thụ ánh sáng của bộ lá, cung cấp đầy đủ và thuận lợi nguyên liệu cho quá trình quang hợp của cây, nhằm thúc đẩy quá trình quang hợp.

Giải pháp cụ thể như sau:

Một là: Trồng với mật độ thưa, cây thông thoáng, cắt tỉa cây theo hướng tán mở ở đỉnh sao cho ánh sáng có thể chiếu trực tiếp vào trong tán. Đồng thời bổ sung cân đối đầy đủ dinh dưỡng cho lá, chú ý cân đối các yếu tố trung lượng, vi lượng, tạo cho lá có sức đề kháng tốt nhất. Nếu đã trồng cây với mật độ dày, trong thời kỳ ra hoa đậu quả non cần bố trí thắp đèn có ánh sáng vàng, tăng cường thắp đèn vào những ngày mưa ẩm kéo dài, ánh sáng yếu. Có thể thắp kéo dài tới 20-21h đêm trong những ngày mưa ẩm, thời tiết âm u. Trong vườn cần bố trí các bóng đèn sao cho bộ lá nhận được ánh sáng nhiều nhất, hơi ẩm thoát ra nhanh nhất. Việc thắp đèn không những tạo cho lá hấp thu ánh sáng tốt mà còn hạn chế sâu bệnh phát triển và giải thoát hơi ẩm nhanh…

Hai là: Tăng cường khả năng hấp thụ ánh sáng cho bộ lá thông qua việc phun chế phẩm Nano Bạc Super 500ppm qua lá, định kỳ 5-10 ngày/lần.

Chúng ta đã biết quang hợp là quá trình chuyển hóa năng lượng “mặt trời” thành năng lượng hóa học “dự trữ” cần thiết cho cây. Những ngày mưa ẩm, thời tiết âm u, khi đó cường độ ánh sáng yếu, khả năng hấp thụ ánh sáng vào lá kém do đó hiệu suất quang hợp bị giảm sút. Nano Bạc làm tăng khả năng hấp thụ ánh sáng qua lá do đó tăng hiệu suất quang hợp.

Vậy cơ chế xảy ra như thế nào?

Quang phổ mặt trời là liên tục, do đó sự hấp thụ ánh sáng của các sắc tố quang hợp là gián đoạn mạnh nhất là tại vùng ánh sáng tím, xanh và đỏ. Theo tính chất vật lý của hạt nano Bạc chúng ta thấy các hạt nano bạc hấp thụ ánh sáng trong dải sóng 390 – 420 nm nên khi đó tại bước sóng này cường độ ánh sáng được hấp thụ tăng cường.

Như vậy các hạt nano bạc, ngoài tác dụng diệt nấm khuẩn, nó còn làm tăng cường khả năng hấp thụ ánh sáng cho bộ lá qua đó nâng cao hiệu suất quang hợp, tăng cường vận chuyển dinh dưỡng về các cơ quan dự trữ. Thúc đẩy quá trình phát triển của quả, hạn chế hiện tượng “bỏ quả”, góp phần ngăn chặn từ xa quá trình hình thành tầng rời cuống hoa - cuống quả, hạn chế rụng hoa, quả sinh lý.

Ba là: Bổ sung Canxi nano dễ hấp thu cho cây, hạn chế tác hại của mưa acid, tăng cường cung cấp nguyên liệu quang hợp cho cây tại bề mặt lá thông qua việc sử dụng Nano Canxi Cacbonate (N – CaCO3).

Nano canxi cacbonate có hoạt tính hóa học cao nên dễ phản ứng để trung hòa axit ngay cả ở môi trường axit yếu pH = 5-6. Nano canxi cacbonate sử dụng khi phun qua lá làm tăng hiệu suất quang hợp đồng thời bổ sung canxi cho cây qua bộ lá. Khi ở kích thước nano mét các hạt Nano-CaCO3 bám vào kẽ lá và phân hủy trong môi trường khí CO2 tự nhiên (H2CO3) đồng thời giải phóng khí CO2 tăng đến 40% tại kẽ lá tạo nguyên nguồn nguyên liệu quang hợp (CO2) dồi dào cho quá trình quang hợp và bổ sung canxi cho cây trồng:

                                             Nano-CaCO3  +  H2CO3 = Ca+2  +  2CO2↑  +  H2O

Trong phản ứng hóa học trên: Canxi sau khi được giải phóng được cung cấp trực tiếp cho cây trồng qua các lỗ khí khổng của lá, quá trình này diễn ra liên tục do đó cây trồng sẽ không bị thiếu hụt, cuống hoa - cuống quả được bổ sung kịp thời cho nên chúng sẽ trở lên “dai hơn”, bền vững hơn (do Canxi được coi như là một chất kết dính giữa các tế bào, giúp cho các tế bào liên kết chặt chẽ với nhau hơn). Khác với các dòng phân bón lá bổ sung trực tiếp Canxi dạng Ca2+, dạng Ca2+ này khi phun trên lá dưới tác động của các yếu tố môi trường nó sẽ bị oxi hóa và chuyển thành dạng Canxi khó tan, khó tiêu, cây trồng không hấp thu được:

Trong không khí, kèm theo hơi nước Ca2+ được chuyển thành CaCO3:

               Ca2+  + CO32-   ==> CaCO3 (dạng Canxi này cây không hấp thu được)

Theo cơ chế trên khi lượng Ca2+  bị kết tủa hết thì cây trồng sẽ không hấp thu được Canxi gây ra hiện tượng thiếu hụt Canxi cục bộ do đó các tế bào dễ bị tách rời nhau, liên kết lỏng lẻo hơn, tầng rời được hình thành ngay sau đó và dẫn đến hiện tượng rụng hoa, quả sinh lý hàng loạt, khó kiểm soát (đặc biệt khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi thì quá trình này diễn ra nhanh hơn). Tuy nhiên dạng Canxi nano, Canxi nano cacbonate thì không như vậy. Khi chúng được phun trên lá, dưới điều kiện tự nhiên các dạng hạt Nano Canxi giải phóng liên tục các ion Ca2+, giúp khí khổng của bộ lá có nhiều cơ hội hấp thu hơn (tỷ lệ hấp thu Canxi rất cao), làm tăng hiệu suất hấp thu Ca2+ cho nên ít khi xảy ra tình trạng thiếu hụt canxi.

Tóm lại để hạn chế tình trạng rụng non quả sinh lý, khắc phục hiện tượng quả chậm lớn hoặc không lớn chúng ta phải tác động các biện pháp kỹ thuật sau:

+ Tạo điều kiện thuận lợi cho bộ rễ phát triển, phòng trị sâu bệnh chủ động hại rễ nhất là Nấm, Vi khuẩn và Tuyến trùng hại rễ, bổ sung cân đối các dạng khoáng dễ tiêu theo nhu cầu của cây qua các thời kỳ sinh trưởng phát triển khác nhau(không thừa, không thiếu), cải tạo đất, giúp đất tơi xốp thoáng khí, giàu mùn, tránh để pH quá cao hay quá thấp, am hiểu các kỹ thuật bón phân, hiểu biết về sự đối kháng giữa các nhóm dinh dưỡng thiết yếu từ đó có các giải pháp bón phân cân đối đầy đủ.

Ví Dụ: không bón lân và vôi cùng nhau điều này sẽ tạo ra các hợp chất khó tan, cây khó hấp thu lân. Hạn chế sử dụng các loại phân gây chua đất, bởi khi pH thấp (đất chua) sẽ thúc đẩy hình thành các kim loại nặng gây ngộ độc rễ, ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dinh dưỡng và nước. Ưu tiên bón các loại phân hữu cơ sinh học, cây có thể hấp thu từ từ, ít dùng các nhóm phân NPK tổng hợp tan nhanh ở thời kỳ cây đang ra hoa, đậu quả điều này sẽ gây sốc dinh dưỡng dẫn đến hiện tượng đẩy quả non…

+ Điều chỉnh mật độ trồng phù hợp, cắt tỉa tạo tán thông thoáng, phòng trừ sâu bệnh cho tất cả các bộ phận trên mặt đất. Thời kỳ cây ra hoa đậu quả non cần hạn chế phun các loại thuốc hóa học có độc tính mạnh. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để bộ lá đón được ánh sáng nhiều nhất, thúc đẩy và nâng cao hiệu suất quang hợp(Thông qua việc sử dụng Nano Bạc 500-1000ppm).

+ Cung cấp đầy đủ các dạng nguyên liệu dễ hấp thu tại chỗ cho quá trình quang hợp, cân đối bổ sung thêm các nhóm dinh dưỡng trung lượng, vi lượng (Ca, Mg, Zn, Cu, Bo, Si, Mn…). Lưu ý chỉ cần bổ sung lượng rất nhỏ, nếu thừa rễ gây ngộ độ cây. Khuyến cáo trong thời kỳ phân hóa mầm hoa – phát triển nụ - đậu quả chỉ cần bổ sung các nhóm dinh dưỡng trên với nồng độ phun qua lá giao động từ 0,02 – 10ppm là đủ, các chất kích thích tăng trưởng như Auxin, Gibberellin với nồng độ từ 40-120ppm, tùy thời kỳ sinh trưởng.

+ Thời kỳ này cần điều tiết vườn cây sao cho không được thừa ẩm, không thiếu ẩm đồng thời nên sử dụng các dòng sản phẩm chống mưa acid (acid hóa quả non). Kết hợp sử dụng Nano Canxi từ thời kỳ cây phát triển nụ đến hoa nở rộ (chủ động làm tăng tính bền vững của cuống hoa, cuống quả, chống rụng quả sinh lý ngay từ giai đoạn đầu).

2.4 Chăm sóc bưởi Diễn thời kỳ ra hoa, đậu quả

Yêu cầu kỹ thuật thời kỳ hoa rộ: Ra hoa tập trung, hoa to khỏe, không cần quá sai, không bị thối nhũn hoa, không bị dính cánh hoa. Hoa bị thâm đen, thối hỏng sẽ rụng hoàn toàn sau một vài ngày. Thời kỳ này cần quản lý sâu bệnh chủ động, phòng là chính, không để sâu bệnh phát triển mạnh.

Yêu cầu kỹ thuật thời kỳ đậu quả: Tỷ lệ thụ phấn, thụ tinh cao, quả đều, không cần sai quả, quả nhẵn bóng, có màu xanh tự nhiên (như trên hình).

CÁC BIỆN PHÁP KỸ THUẬT CHĂM SÓC:

Thứ nhất: Thời kỳ ngủ nghỉ, ủ mầm hoa: phòng trừ chủ động sâu bệnh, đặc biệt là nhện đỏ, rệp sáp, rệp muội và các nhóm côn trùng trích hút khác, thời kỳ này không bổ sung dinh dưỡng qua lá.

Thứ hai: Thời kỳ phân hóa mầm hoa đến phát triển nụ

+ Dùng 3-5ml chế phẩm sinh học Vườn Sinh Thái.

+ Dùng 30-50ml AKH SUPER500T + 30-50ml Chế phẩm Nano BẠC – ĐỒNG 1000ppm kết hợp với 20-30ml Nano Oxyclorua đồng 10.000ppm

+ Dùng 5-10 ml SHELLAC SUGER 1500 – 1800 (bổ sung nano canxi và nano kẽm dễ hấp thu, giúp cuống hoa dai và bền vững hơn).

Hỗn hợp các chế phẩm trên pha với bình 15-20 lít phun dạng sương mù, phun lướt, đều 2 mặt lá. Phun định kỳ 7 ngày/lần cho đến khi nụ phát triển hoàn toàn(nụ màu trắng, chuẩn bị nở hoa).

Tác dụng: Thúc đẩy mầm hoa phát triển to khỏe, ngăn chặn từ xa các yếu tố hình thành tầng rời, tăng sức đề kháng cho cây, phòng trị nấm khuẩn phát triển ngay từ giai đoạn khởi phát. Lưu ý kết hợp phòng trừ nhện, rệp…

Thứ ba: Thời kỳ hoa nở rộ

Thời kỳ này dài hay ngắn phụ thuộc thời tiết và kỹ thuật chăm sóc trước đó, hoa nở càng tập trung, tỷ lệ đậu quả càng cao, khả năng giữ quả rất tốt. Yêu cầu kỹ thuật của thời kỳ này là phòng trị nấm khuẩn gây bệnh thối nhũn, thúc đẩy quang hợp, bổ sung trung lượng, vi lượng dễ hấp thu, tiếp tục ngăn chặn hình thành tầng rời, chống rụng hoa sinh lý. Chú ý phòng trừ nhện đỏ, rệp muội, rệp sáp…

Sử dụng phun hỗn hợp các chế phẩm sau đây:

+ Dùng 50ml AKH SUPER500T + 50-100ml Chế phẩm Nano BẠC – ĐỒNG 1000ppm kết hợp với 30-50ml Nano Oxyclorua đồng 10.000ppm

+ Dùng 10 ml SHELLAC SUGER 1500 – 1800 (bổ sung nano canxi và nano kẽm dễ hấp thu, giúp cuống hoa dai và bền vững hơn).

+ Dùng 20-30ml Nano Canxi cacbonate 15.000ppm(chống acid hóa cuống hoa, tăng cường hấp thu CO2 cho cây để quang hợp xảy ra với hiệu suất cao nhất).

+ Dùng 20ml Kani nitrat chelate, Silic nano (ức chế quá trình rụng quả, hạn chế nấm phát triển)

Hỗn hợp trên pha với bình 15-20 lít, phun dạng mù như các thời kỳ trước(phun 1 lần)

Lưu ý: nếu không mưa có thể áp dụng phun 1 lần, tuy nhiên nếu mưa ẩm kéo dài trên 3 ngày thì khẩn trương phun Nano canxi cacbonate chống acid hóa cuống hoa(3 ngày/lần).

Thứ tư: Thời kỳ rụng cánh hoa(đạt 30-50% trở lên):

Sử dụng phun hỗn hợp các chế phẩm sau đây:

+ Dùng 1000ml Nano hợp kim Bạc – Đồng kết hợp 1000ml Nano Oxyclorua đồng pha với 50-100lít nước phun ẩm đều lên quả non.

+ Dùng 10-20 ml SHELLAC SUGER 1500 – 1800 pha với 15 lít nước (bổ sung nano canxi và nano kẽm dễ hấp thu, giúp cuống hoa dai và bền vững hơn)

+ Dùng 20-30ml Nano Canxi cacbonate (chống acid hóa, tăng cường hấp thu CO2 cho cây để quang hợp xảy ra với hiệu suất cao nhất, hạn chế đứng quả, chậm phát triển quả).

Cần lưu ý khi bưởi trong thời kỳ ra hoa, đậu quả non(vừa rụng cánh hoa) không nên bón thúc phân bón hóa học dễ tan qua rễ, nếu bón thời kỳ này quả non mới đậu rất dễ bị rụng (đẩy quả), khó kiểm soát. Khi quả phát triển ổn định mới bón phân qua rễ, bổ sung dinh dưỡng cho cây một cách từ từ, tránh sốc dinh dưỡng gây rụng quả non.

Thứ năm: Thời kỳ phát triển quả - quả có kích thước bằng hạt đậu tương trở đi

+ Bón bổ sung qua lá: Dùng chế phẩm sinh học Vườn Sinh Thái (5ml pha với 15 lít nước) kết hợp với Shellac suger 1900, Nano Bạc Đồng 1000ppm. Phun định kỳ 10-15 ngày một lần cho đến khi quả phát triển ổn định.

+ Bổ sung dinh dưỡng qua rễ: Dùng đậu tương nghiền nhỏ kết hợp với lân đơn (bón nhẹ), nếu cây phát triển kém bổ sung thêm NPK 16-16-8-13S(bón nhẹ, chia làm 2 lần). Lượng sử dụng để bón bổ sung qua rễ phụ thuộc vào tuổi cây và năng suất thực thu vụ trước, sức sinh trưởng của cây ở thời điểm hiện tại. Đậu tương có thể bón vào tháng 2-3 và 5-6 âm lịch(Lưu ý: cân nhắc khi sử dụng phân NPK tổng hợp).

Cách bón qua rễ: Rắc trải đều lên bề mặt tính từ hình chiếu tán của cây trở vào phía gốc, cách gốc một khoảng rộng tùy tuổi cây (không bón ngay sát gốc).

Lưu ý chung: ở thời kỳ cây đang mang quả non cây rất cần dinh dưỡng tập trung nuôi quả do đó cần hạn chế tối đa cây phát triển lộc Xuân (các biện pháp kỹ thuật cần làm trước đó). Đầu mùa xuân cây trồng nói chung thường có xu hướng đâm chồi nảy lộc là bình thường tuy nhiên cần điều tiết dinh dưỡng sao cho thời điểm ra hoa đậu quả non không trùng với thời điểm cây mới phát sinh lộc. Khi gặp điều kiện bất lợi về thời tiết, trên cây mang lộc xuân (ở tỷ lệ cao) thì quả non rất dễ bị rụng, khó kiểm soát. Do lúc này dinh dưỡng tập trung về nuôi lộc, bỏ quả. Tất nhiên hiện tượng rụng quả sinh lý là bình thường ở các cây ăn quả nói chung tuy nhiên chúng ta phải chủ động kiểm soát và điều tiết ở ngưỡng rụng sinh lý cho phép. Trong quá trình chăm sóc Bưởi trước thời kỳ ra hoa, đậu quả nên ưu tiên sử dụng các loại phân bón cung cấp dinh dưỡng cho cây từ từ, bền vững, không thừa hay thiếu dinh dưỡng.

3-Thúc lộc phát triển và nuôi Lộc thành cành mẹ (mang quả cho năm sau)

Để hạn chế hiện tượng bưởi Diễn ra quả cách năm, bà con cần thúc một đợt lộc hè và lộc thu nuôi chúng thành thục thành cành mẹ để cho quả vào vụ kế tiếp. Những cành mang quả của năm nay thường khó có thể ra tiếp quả và nuôi quả ở vụ tiếp theo. Do vậy cần chuẩn bị cho cây những cành mẹ đủ tiêu chuẩn để năm sau không bị mất mùa.

Thời điểm thúc lộc: khi quả bắt đầu vào nước, tháng 5-6 âm lịch.

 Khi quả đã “vào nước” thì sự phát triển lộc hè sẽ gần như không ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển quả (ít xảy ra hiện tượng rụng quả như thời kỳ quả non) nếu cây không bị sâu bệnh và không thiếu dinh dưỡng cục bộ.

 Để thúc lộc chúng ta cần làm đồng thời các công việc sau:

+ Làm sạch cỏ dại xung quanh gốc, nếu bề mặt đất bị dí chặt dùng dụng cụ chuyên dùng xới nhẹ bề mặt, làm tăng khả năng trao đổi khí của bộ rễ, tạo thông thoáng, hạn chế mất dinh dưỡng khi bón phân qua gốc. Lưu ý không được làm đứt nhiều rễ.

+ Bón phân hữu cơ hoai mục kết hợp với NPK tổng hợp (bón trên bề mặt hoặc xẻ thành rãnh để bón). Bón nhẹ chia làm 2 lần (vào tháng 5-6 và 7-8 âm lịch). Lượng phân bón ít hay nhiều phụ thuộc vào tuổi của cây và sức sinh trưởng của cây.

+ Dùng chế phẩm sinh học Vườn Sinh Thái phun qua lá: 5ml pha với 10-15 lít nước phun đều hai mặt lá, mỗi đợt lộc(hè/thu) phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày. Chế phẩm Vườn Sinh Thái bổ sung dinh dưỡng qua lá, thúc mầm lộc phát triển tập trung ngay từ giai đoạn đầu.

+ Sau khi phun chế phẩm sinh học Vườn Sinh Thái 2-3 ngày dùng Shellac suger 1900-2000HA phun đều 2 mặt lá kết hợp phun đậm xung quanh gốc: mỗi đợt lộc phun 1-2 lần, làm tăng khả năng quang hợp của bộ lá, tăng khả năng vận chuyển dinh dưỡng về quả để nuôi quả phát triển cân đối.

+ Chủ động phòng trừ sâu bệnh theo quá trình phát triển của các đợt lộc (ngay từ khi lộc non mới xuất hiện).

Lưu ý chung:  Ở các thời kỳ nuôi lộc đặc biệt là lộc Thu, cần bổ sung dinh dưỡng cân đối đầy đủ qua lá và rễ, không bón thừa dinh dưỡng đặc biệt là đạm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quả và khả năng hãm lộc Đông sau này. Ở giai đoạn lộc Thu trở đi ưu tiên sử dụng Kali.

Kết thúc lộc Thu tuyệt đối không cung cấp dinh dưỡng đa lượng cho cây đặc biệt là đạm, mà thời kỳ này cần theo dõi vườn bưởi để chủ động phòng hiện tượng sinh trưởng Lộc Đông quá mạnh (kìm hãm lộc Đông phát triển), cho các cành mẹ bước vào ngủ nghỉ để chuẩn bị cho quá trình phân hóa mầm hoa ở vụ tiếp theo sau khi đã thu hoạch quả.

Hy vọng với kiến thức chuyên ngành và kinh nghiệm nghiên cứu thực tiễn trên cây có Múi nói chung (trên đây) sẽ giúp bà con chủ động trong các kỹ thuật phòng tránh các vấn đề không mong muốn thường xuyên xảy ra trong quá trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Chế phẩm nano bạc đồng plus và nano đồng oxyclorua chuyên dùng đặc trị bệnh loét cam, ghẻ sẹo, xì gôm chảy nhựa mủ, bệnh Greening, bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi

Chúc bà con thành công !

Mời độc giả và bà con đón đọc phần tiếp theo: "phòng trị ruồi vàng hại bưởi Diễn"

(Mọi hành vi sao chép bài viết trên phải xin phép hoặc dẫn nguồn cụ thể)

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO NANOTECH

Tư vấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả đặc sản 24/7:

Th.S Phạm Công Khải * Hotline: 0976 804 678

Hoặc gửi mail về hòm thư:   phamcongkhai1249@gmail.com

                                                nanobacsuper@gmail.com