Cây ăn quả nói chung và cây có múi nói riêng, sau mỗi vụ thu hoạch bà con cần chăm sóc theo hướng phục hồi cây, tạo điều kiện thuận lợi cho cây vào trạng thái ngủ nghỉ, tích lũy dinh dưỡng để chuẩn bị cho quá trình phân hóa mầm hoa. Quá trình ngủ nghỉ tự nhiên của cây thường phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Tại Miền Bắc bưởi diễn thường bước vào thời kỳ ngủ nghỉ tự nhiên khi nhiệt độ xuống thấp (dưới 13oC), độ ẩm đất không quá cao (dưới 40-50%). Tuy nhiên với những năm mưa kéo dài, rét muộn bà con cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật cơ giới nhằm đưa cây vào trạng thái ngủ nghỉ qua đó hạn chế phát triển lộc đông. Một khi lộc đông phát sinh phát triển mạnh sẽ ảnh hưởng tới quá trình phân hóa mầm hoa.
Tác hại của lộc đông được mô tả như sau:
+ Hoa phân hóa muộn, cấu trúc hoa nhỏ, chùm dày, không đúng thời điểm, do đó thời điểm nở rộ thường gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi.
+ Thời kỳ ra hoa đậu quả không tập trung và bị kéo quá dài, tỷ lệ đậu thấp, ảnh hưởng đến năng suất chất lượng quả vụ sau.
+ Đối với bưởi diễn quả trên cây quá ít không phù hợp với sức sinh trưởng của cây sẽ kéo theo chất lượng quả kém (quả to, vỏ dày, tép thường bị khô, ít nước, mã quả xấu).
Chính vì vậy thời kỳ sau thu hoạch bà con cần áp dụng đúng và kịp thời về yêu cầu kỹ thuật đối với từng loại cây trong nhóm cây có múi. Về cơ bản mỗi cây trong nhóm cây có múi có thời gian ngủ nghỉ, đặc điểm ra hoa đậu quả chênh lệch nhau từ 2-4 tuần tuy nhiên các giải pháp thúc hoa, phát triển mầm hoa, chống rụng quả gần tương tự nhau (riêng thời gian thu hoạch có thể chênh lệch nhau từ 2-3 tháng tùy giống). Trong nhóm cây có múi thì bưởi diễn và cam canh là cây “khó tính” nhất do đó trong phạm vi chuyên đề này chúng tôi sẽ tập trung chủ yếu hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây bưởi diễn tôm vàng.
Yêu cầu kỹ thuật trong quá trình chăm sóc cây bưởi diễn thời kỳ sau thu hoạch: Phải đảm bảo đồng thời 3 yêu cầu sau
+ Thu hoạch đúng thời điểm, không nên thu hoạch quá muộn: Từ trung tuần tháng 11 đến cuối hoặc đầu tháng 12 âm lịch hàng năm). Đối với bưởi diễn việc thu hoạch muộn sẽ ảnh hưởng đến quá trình ngủ nghỉ và phân hóa mầm hoa của cây. Cây không có thời gian ngủ nghỉ và tích lũy dinh dưỡng đủ dài khi gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi sẽ ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa, tỷ lệ đậu quả thấp.
+ Chủ động phòng trừ sâu bệnh: Sau mỗi vụ thu hoạch cần phải phun “rửa vườn” loại bỏ sâu bệnh, chuẩn bị bước vào vụ mới. Thời kỳ trước ra hoa một tháng cần được xử lý nấm khuẩn gây bệnh. Cần đảm bảo rằng thời kỳ hoa nở nấm khuẩn gây bệnh phải được kiểm soát chủ động, hạn chế phun các thuốc trừ sâu bệnh thời kỳ hoa nở và đậu quả non. Chính vì vậy sau thu hoạch bà con cần phun các chế phẩm trừ sâu bệnh từ 2-3 lần để bảo vệ cành mẹ, giảm thiểu các nguy cơ gây hại mầm hoa và cấu trúc hoa sau này, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thụ phấn và đậu quả.
+ Hạn chế hoặc ức chế quá trình phát sinh và phát triển lộc đông: Như phân tích ở trên sau thu hoạch bà con cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật cơ giới với mục đích đưa cây vào trạng thái ngủ nghỉ (nghỉ dưỡng) để chuẩn bị cho quá trình phân hóa mầm hoa. Tuy nhiên với những năm mưa kéo dài, độ ẩm đất cao, rét đến muộn sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát triển lộc đông.
Các điều kiện thúc đẩy lộc đông phát triển mạnh:
+ Những năm rét muộn, mưa kéo dài là điều kiện thuận lợi để lộc đông phát triển dẫn đến quá trình phân hóa hoa không đều, hoa kéo dài, hoa muộn.
+ Chăm sóc dinh dưỡng không phù hợp vơi nhu cầu dinh dưỡng của cây, cây mất cân đối dinh dưỡng (thừa đạm, thiếu dinh dưỡng vi lượng..). Ngoài ra lượng quả trên cây có vai trò quan trọng trong việc điều tiết lộc đông.
Như vậy trong một năm (1 vụ) xét về sinh trưởng lộc, bà con nên điều tiết các đợt lộc sao cho phù hợp với sức sinh trưởng của cây. Với bưởi Diễn cần thúc lộc hè, lộc thu và nuôi chúng phát triển thành cành mẹ cho năm sau, tuy nhiên đến giai đoạn cuối thu, đầu đông chúng ta cần tác động các biện pháp kỹ thuật để hạn chế lộc đông phát sinh, phát triển.
Các biện pháp hạn chế lộc đông phát triển: Kết hợp 2 biện pháp cơ bản sau
Biện pháp chăm sóc và điều tiết dinh dưỡng (bón phân cho cây): Sử dụng phân bón hữu cơ hoai mục ủ nấm đối kháng kết hợp lân đơn bón lót vào thời điểm cuối vụ hàng năm (xem hướng dẫn phần sau). Không lạm dụng phân bón hóa học, hạn chế bón muộn, bón rải rác kéo dài. Bón phân cho cây cần dựa vào nhu cầu dinh dưỡng của từng cây, sản lượng quả/cây, thời tiết khí hậu từng năm để có phương pháp bón, định lượng bón cho mỗi cây sao cho phù hợp, cân đối. Trong quá trình chăm sóc cần lưu ý đạm cá ủ rất tốt tuy nhiên không nên bón quá nhiều, bón thừa đạm cá làm cho cây mất cân đối dinh dưỡng bộ lá phát triển mạnh, đạm tồn dư trong đất là nguy cơ tiềm ẩn phát triển lộc đông cuối vụ.
Biện pháp tác động cơ giới bộ rễ:
Là biện pháp cuốc xới đất xung quanh vùng tán nhằm mục đích chặt rễ, xử lý bộ rễ, cải tạo đất vùng rễ, loại bỏ một phần rễ non của cây, ngăn chặn từ xa quá trình hút nước và dinh dưỡng khoáng của bộ rễ.
Xử lý bộ rễ, tác động cơ giới bộ rễ, làm đứt rễ, phơi khô đất xung quanh vùng rễ
Mục đích và cơ sở khoa học của biện pháp chặt rễ, xử lý rễ, giảm số lượng rễ tơ:
Theo các nghiên cứu về sinh lý thực vật các nhà khoa học thấy rằng đa phần Xytokinin được hình thành và tổng hợp chủ yếu trong hệ thống bộ rễ (đặc biệt là phần rễ non, rễ tơ nằm ngoài cùng). Xytokinin là nhóm phytohormon nội sinh có vai trò hoạt hóa mạnh mẽ sự tổng hợp axit nuleic và protein. Do đó xytokinin có xu hướng kích thích quá trình phân chia tế bào qua đó chúng có tác dụng kích thích sự phân hóa mầm chồi, thúc đẩy quá trình phát triển lộc đông. Điều này giải thích tại sao khi nhiệt độ tăng (rét muộn), độ ẩm đất cao, các chất dinh dưỡng dư thừa trong đất bị khoáng hóa mạnh tạo thuận lợi cho bộ rễ (rễ tơ, rễ hút) sinh trưởng, phát triển mạnh. Khi bộ rễ phát triển mạnh về số lượng thì ngay lập tức hormon xytokinin được tổng hợp nhiều hơn qua đó kích thích quá trình phân chia tế bào, thúc đẩy mầm chồi dinh dưỡng phát triển thành lộc đông.
Cũng vì các lý do trên mà Xytokinin còn được xem là một loại hormon trẻ hóa cây, tức là chúng luôn có xu hướng phát triển mầm chồi dinh dưỡng. Do đó biện pháp tác động cơ giới bộ rễ nhằm loại bỏ hoặc giảm một phần Hormon xytokinin có trong phần rễ non của cây qua đó ức chế quá trình phát sinh lộc đông, tạo điều kiện ngủ nghỉ (ủ mầm hoa) cho cây.
Chúng ta thấy rằng vào thời điểm cuối vụ, trước hoặc sau thu hoạch khoảng 10-15 ngày nếu gặp điều kiện nhiệt độ xuống thấp dưới 12-14oC (kéo dài từ 5-7 ngày) bộ rễ tạm ngừng sinh trưởng hoặc chức năng sinh lý của bộ rễ giảm chính vì vậy mà hormon xytokinin được kiểm soát hạn chế vì vậy hiện tượng lộc đông phát sinh cũng ít hơn. Như vậy có thể nói khi nhiệt độ thấp, đất khô hạn vào thời điểm cuối vụ trước hoặc sau thu hoạch 10-15 ngày sẽ giúp cây ngủ nghỉ tự nhiên, lộc đông ít phát sinh, quả cũng ngọt hơn.
Chính vì vậy cơ sở khoa học của biện pháp tác động cơ giới bộ rễ chính là loại bỏ hoặc giảm nồng độ hormon hóa trẻ Xytokinin tại bộ rễ bằng cách chặt rễ và loại bỏ chúng. Ngoài ra khi sử dụng cuốc/cào đất xung quanh gốc cũng là để trẻ hóa bộ rễ, thay thế một phần bộ rễ tơ cho vụ sau, giảm nấm khuẩn gây bệnh, tăng cường khả năng trao đổi khí, hạn chế nghẹt rễ qua đó tăng chất lượng quả.
Cần đảm bảo bộ rễ tôm bị đứt khi xử lý cuốc xới đất
Thời điểm tác động cơ giới bộ rễ: Việc chọn thời điểm xử lý bộ rễ, cuốc xới xung quanh gốc rất quan trọng. Nếu làm quá sớm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quả, làm quá muộn sẽ không đạt hiệu quả tối ưu. Thời điểm xử lý bộ rễ phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, sản lượng quả trên cây và sức sinh trưởng của từng cây. Trường hợp cây không quá sai quả, thời tiết rét muộn, mưa kéo dài, độ ẩm đất cao, bộ lá xanh dày có biểu hiện thừa dinh dưỡng bà con nên xử lý rễ sớm. Xử lý cuốc xới nhẹ xung quanh gốc theo hình chiếu tán, có thể xử lý trước thu hoach 10-15 ngày. Sau thu hoạch nên tiến hành cuốc xới sâu rộng hơn (xử lý lần 2). Tuy nhiên trường hợp cây sinh trưởng bình thường, bộ lá phát triển cân đối, không có dấu hiệu thừa dinh dưỡng, các điều kiện thời tiết bình thường (nhiệt độ không quá cao, đất không quá ẩm) thì bà con đợi thu hoạch xong, cắt tỉa tạo tán thông thoáng, sau đó tiến hành cuốc xới, xử lý bộ rễ luôn. Lưu ý cần làm sạch cỏ dại xung quanh gốc cây, vùng bộ rễ sinh trưởng.
Phun chế phẩm Shellac suger qua lá (hãm lộc đông): Cân đối lại tỷ lệ C/N đầu cành mẹ, điều tiết các hormon nội sinh theo tỷ lệ thích hợp, hạn chế quá trình tổng hợp Xytokinin.
Ngoài các biện pháp hãm lộc đông như trên, một số vườn còn áp dụng biện pháp tạo Stress cây bằng cách khoanh vỏ cây. Thực chất biện pháp này là làm đứt mạch vận chuyển dinh dưỡng libe của cây qua đó hạn chế dinh dưỡng cung cấp lên trên, qua đó giảm hiện tượng phát triển lộc đông. Tuy nhiên cần cẩn trọng với biện pháp này, không nên lạm dụng. Bởi biện pháp khoanh vỏ thường bị động ở giai đoạn sau, vết khoanh nếu không liền kịp sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu quả và nuôi quả non sau này. Hơn nữa biện pháp khoanh vỏ làm tổn thương mạch dẫn của cây, cây kém bền và thường bị nhiễm nấm gây bệnh xì gôm chảy mủ.
Bón phân sau thu hoạch:
Sau khi làm sạch cỏ dại, xử lý đất, cuốc xới theo hình chiếu tán của cây bà con nên bón vôi bột nếu đất chua (tùy chất đất, tuổi cây bón từ 0,5-1,5kg/gốc). Lưu ý không nên bón lân và vôi cùng lúc vì chúng bị kết tủa dạng muối phốt phát khó tan làm chai đất. Sau khi cuốc xới xung quanh gốc nên phơi từ 10-20 ngày (không lấp đất bón phân ngay). Đối với bưởi diễn để đảm bảo thời gian ngủ nghỉ và xử lý đất, bà con nên thu hoạch muộn nhất 15-25/11 âm lịch (tối đa đầu tháng 12 âm). Sau khi phơi đất xung quanh rễ 2-3 tuần bà con tiến hành bón phân lót như sau (tính trên mỗi gốc cây):
+ Phân chuồng hữu cơ hoai mục ủ nấm đối kháng: 30-70kg/gốc (tùy tuổi cây, đường kính tán, sản lượng quả).
+ Lân đơn P2O5: 500-2kg/gốc (tùy tuổi cây, đường kính tán, sản lượng quả).
+ Đậu tương nghiền nhỏ(thời điểm này không cần bón đậu tương ngâm): 1-3kg/gốc (tùy tuổi cây, đường kính tán, sản lượng quả).
Hỗn hợp phân bón trên cần được trộn đều với đất trước khi lấp rãnh đã cuốc xới trước đó. Sau khi bón và lấp đất nếu thấy bộ lá hơi héo, mỏng lá có thể tưới nhẹ duy trì ẩm độ vừa phải từ 60-70%. Sau thời gian ngủ nghỉ, cây tích lũy đủ về chất chúng sẽ phân hóa mầm hoa (thông thường quá trình phân hóa mầm hoa của bưởi diễn rơi vào từ cuối tháng 12 – 1 âm lịch hàng năm). Khi cây bắt đầu nhú mầm hoa cần đảm bảo rằng trước đó đó đã phun thuốc trừ sâu bệnh (trị nấm khuẩn gây bệnh, nhện và một số côn trùng chích hút khác). Thời điểm cây bắt đầu nhú mầm hoa bà con nên tưới tăng dần, nâng cao độ ẩm đất từ từ, định kỳ 2-3 ngày tưới một lần (tùy điều kiện thời tiết), kết hợp bón thêm NPK tổng hợp, bón vãi, mỗi gốc 100-150g kết hợp tưới nước giữ ẩm (lưu ý không tưới quá thừa ẩm).
Ngoài ra thời kỳ phân hóa mầm hoa bà con nên phun hỗn hợp chế phẩm sau giúp mầm hoa phát triển to khỏe, đồng đều, chủ động tiêu diệt nấm khuẩn gây bệnh hại hoa sau này: Dùng 30-35ml chế phẩm nano AKH super plus kết hợp 50ml chế phẩm nano bạc đồng plus pha với bình 15-20 lít nước phun đều tán lá. Phun 2 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 7 ngày.
(Mọi hành vi sao chép bài viết trên phải xin phép hoặc dẫn nguồn cụ thể)
Mời bà con tham khảo bài viết:"Kỹ thuật chăm sóc bưởi diễn thời kỳ ra hoa đậu quả, giải pháp chống rụng quả, hạn chế tác hại của mưa acid trên bưởi diễn thời kỳ quả non"
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO NANOTECH
Tư vấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp:
ThS Phạm Công Khải - Hotline: 0976 804 678 * 0835 99 85 99
Email: nanobacsuper@gmail.com