Kỹ thuật cắt tỉa cành, tạo tán cho cây mắc ca giai đoạn kiến thiết cơ bản

Cắt tỉa là giải pháp kỹ thuật cực kỳ quan trọng và xuyên suốt trong quá trình chăm sóc cây mắc ca (từ giai đoạn kiến thiết cơ bản đến giai đoạn kinh doanh). Mục đích của việc cắt tỉa là chủ động điều tiết cành cấp 1-2-3, điều chỉnh khoảng cách phù hợp giữa các tầng cành, hạ thấp chiều cao cây, qua đó nâng cao chỉ số diện tích lá tối ưu (LAI), tạo cho tán thông thoáng, ánh sáng có thể chiếu vào trong tán, cây phát triển khỏe mạnh cân đối, hạn chế gãy đổ, tước cành, tạo thế tán cân bằng cho cây, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chăm và sóc hoạch. Ngoài ra tán mắc ca thông thoáng sẽ hạn chế sâu bệnh phát sinh phát triển, cành cấp 1-2 phát khỏe và bền vững, nâng cao hiệu suất quang hợp của bộ lá, cho năng suất chất lượng quả cao. Việc cắt tỉa tạo tán phải được thực hiện thường xuyên qua từng năm (quan trọng nhất là năm 1-2). 
1.Nguyên tắc cắt tỉa tạo tán cho mắc ca giai đoạn kiến thiết cơ bản
+ Chủ động điều tiết cành cấp 1-2-3(đặc biệt là phân cành cấp 1).
+ Tạo tán thông thoáng theo hướng tán mở, đường kính tán mở rộng qua từng năm, nâng cao chỉ số LAI.
+ Hạ thấp chiều cao cây thông qua điều chỉnh chiều cao các tầng cành, tầng tán.
+ Giữ lại các cành lợi tán, to khỏe, thoát tay cành tốt đồng thời loại bỏ các cành phá tán, cành nhỏ yếu, cành vô hiệu.
2.Kỹ thuật cắt tỉa mắc ca giai đoạn kiến thiết cơ bản
Trong điều kiện chăm sóc tốt, cây không bị sâu bệnh, trung bình mỗi năm mắc ca thường phát triển từ 3-5 đợt lộc cành sinh dưỡng. Mỗi đợt cành lộc phát triển thành thục và hoàn thiện thường kéo dài từ 35-50 ngày (tùy tuổi cây, vị trí cành sinh dưỡng và sức sinh trưởng của cây), mỗi đoạn cành đó thường dài 30-45cm, cá biệt có những dòng dài 50-70cm. Khi bấm ngọn hoặc cắt tỉa (hủy ưu thế ngọn) thì các chồi bên được hình thành ngay sau đó. Các chồi bên thường phát triển từ 3(4) nách lá, phát triển đồng thời cùng thời điểm. Trường hợp cây có bộ rễ yếu, dinh dưỡng không đầy đủ cân đối các mầm cành chồi bên có thể phát triển dạng kép tại mỗi vị trí nách lá, điều này khiến cho các mầm cành nhỏ yếu, mảnh, khó thoát tay cành.
Quá trình cắt tỉa cành, định hình tán phải tiến hành sớm và chủ động đặc biệt ở năm đầu tiên(cây 1 năm tuổi). Trước khi trồng cần bấm ngọn đồng loạt tại vị trí nách lá thứ 5-7, mầm sinh dưỡng phát triển tại vị trí nách lá này chính là các cành cấp 1. Tùy dòng/giống, điều kiện chăm sóc, sâu bệnh hại mà các cành tại vị trí này có thể phát sinh phát triển đồng thời 2-3 hoặc 4 mầm sinh dưỡng (A38).
Vấn đề bật gốc, gãy cành, tước cành có liên quan chặt chẽ tới tính chất đất (lý hóa sinh của đất), điều kiện chăm sóc (dinh dưỡng) và kỹ thuật cắt tỉa tạo tán cho cây (kiểu phân cành cấp 1). Thực tế cho thấy từ năm thứ 4-5 trở đi, khi cây mắc ca bắt đầu mang quả thì khối lượng sinh vật học của cây (các bộ phận trên mặt đất) rất lớn, trong khi cành mắc ca rất giòn, đàn hồi kém nên dễ bị gãy đổ đặc biệt thường bị tước cành-xé cành ở vị trí phân cành cấp 1. Ngoài ra trên đất có thành phần cơ giới nhẹ, vào mùa mưa có thể gặp hiện tượng bật cả gốc cây (cây đổ ngã). Chính vì vậy trong quá trình chăm sóc mắc ca 3 năm đầu, cần chủ động khâu cắt tỉa tạo tán cân đối hợp lý, thúc bộ rễ phát triển sâu rộng, đồng thời chủ động phân cành cấp 1 sao cho hợp lý(tránh bị xé tước cành).


 

Kỹ thuật phân cành tạo tán mắc ca (cành cấp 1): Có nhiều kiểu phân cành cấp 1, tùy thuộc vào thực trạng sinh trưởng và phát triển của cây mắc ca, tùy dòng/giống và điều kiện sinh thái từng vùng. Sau đây tôi xin giới thiệu các kiểu phân cành cấp 1 cho cây mắc ca.
Kiểu phân cành cấp 1 đồng trục, đối xứng: là kiểu phân cành đối xứng trong đó các cành cấp 1 phát sinh-phát triển từ 3(4) nách lá cùng 1 thời điểm, ở cùng 1 vị trí. Kiểu phân cành này khá đơn giản, bắt đầu từ vị trí bấm ngọn, sau khi trồng các nách lá sẽ phát triển 3(4) mầm cành sinh dưỡng, 3 cành này sau đó trở thành cành cấp 1. Cành cấp 1 tiếp tục được nuôi dưỡng đến khi chiều dài cành hóa gỗ ở vị trí 30-40cm thì bấm cành, từ vị trí nách lá này sẽ phát triển ra 2-3 cành cấp 3,...


Ưu điểm của kiểu phân cành này là tán đối xứng nhau, cây phát triển cân đối, các cành cấp 1 có độ tuổi sinh lý như nhau do chúng phát triển cùng một thời điểm(cùng vị trí). Do đó hạn chế tình trạng lệch tán, đồng thời cây cho quả sớm và đồng đều ở các vị trí khác nhau trên cùng một tầng tán. Kiểu phân cành này dễ điều tiết, ít tốn công tuy nhiên cần chủ động các giải pháp phòng trị sâu bệnh sớm ngay từ khi mầm cành sinh dưỡng mới phát sinh. Nhược điểm lớn nhất của kiểu phân cành đồng trục – đối xứng là tiềm ẩn nguy cơ tước cành, xé cành tại vị trí phân cành cấp 1 (do lực kéo tại vị trí này lớn nhất).
Kiểu phân cành cấp 1 không đồng trục, bất đối xứng(K1-K2): là kiểu phân cành trong đó các cành cấp 1 phát sinh, phát triển từ các vị trí nách lá khác nhau (từ 2 vị trí trở lên). Các cành cấp 1 thường nằm ở vị trí so le nhau và không phát triển từ cùng 1 điểm (không đồng phẳng). Kiểu phân cành bất đối xứng có thể bị lệch tán giai đoạn đầu do các cành cấp 1 phát triển không đồng thời ở cùng một thời điểm (tuổi sinh lý sẽ khác nhau ở giai đoạn đầu).
Cách cắt tỉa, phân cành cấp 1 bất đối xứng (các cành cấp 1 không đồng phẳng):
Giai đoạn 1: Lựa chọn 2 cành to khỏe, lợi tán trong 3 cành phát triển từ 3 vị trí nách lá ban đầu (sau khi bấm ngọn lần 1). Lưu ý chỉ bấm ngọn khi cành đã hóa gỗ (tuy nhiên không để quá già, cành phát triển quá cao gây lãng phí thời gian và dinh dưỡng nuôi cây).
Giai đoạn 2: Chọn 1 trong 2 cành bấm ngọn thấp xuống, cành còn lại để nguyên và tiến hành bấm ngọn tạo cành cấp 2 bình thường. Tại cành bấm ngọn ở vị trí thấp, tiếp tục tạo 2 cành cấp 1 từ vị trí nách lá phù hợp. Như vậy tổng thể ta có 3 cành cấp 1 được tạo.

 


Phương pháp tạo cành cấp 1 bất đối xứng có ưu điểm là hạn chế tình trạng tước cành, xé cành trên mắc ca 4-6 năm tuổi trở đi, rất nhiều vườn mắc ca 8-12 năm tuổi tỷ lệ tước cành, gãy cành khá cao (đặc biệt vào mùa mưa và giai đoạn cây đang nuôi dưỡng quả).

Cắt tỉa tạo tán chủ động, hạ thấp chiều cao cây, khống chế tán cây tùy theo mật độ cây, điều chỉnh các cành mang quả (tăng tỷ lệ), giúp cây sớm bói quả

3.Giải pháp khắc phục tình trạng tước cành, xé cành, bật gốc trên mắc ca:
Giải pháp phân bón: Nghiên cứu cho thấy để tăng tính bền vững của cành cấp 1-2, chúng ta cần sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp với phân khoáng NPK có chứa thành phần như Silic, Canxi, Magie, Kẽm, Đồng. Trong đó phức hệ Ca-Mg-Si-Kẽm rất quan trọng đối với mắc ca, chúng giúp cho mạch gỗ có tính ổn định, các sợi liên bào liên kết chặt chẽ với nhau, làm tăng tính đàn hồi của cành, chống giòn cành và tước cành. Silic sau khi được cây hấp thu sẽ được chuyển thành dạng SiO2 dưới lớp biểu bì và tạo thành một lớp kép, làm cho lá cây dày hơn, các bó mạch gỗ bền vững hơn. Việc chuyển đổi từ Si(OH)4 thành SiO2 ở trong các tế bào của lá làm hạn chế nấm tiếp cận và do đó bảo vệ cây trồng khỏi bị nhiễm nấm. Ngoài ra Silic còn giúp cây chống hạn, chống nóng tốt.
Việc bổ sung phức hệ Ca-Mg-Si cần làm thường xuyên trong giai đoạn kiến thiết cơ bản (3 năm đầu, kết hợp cân đối với nhóm dinh dưỡng đa lượng, trung vi lượng khác, chú ý bổ sung phân hữu cơ định kỳ). Trên đất có thành phần cơ giới nhẹ, đất cát pha hiện tượng tước cành, xé cành, bật gốc xảy ra tỷ lệ cao hơn so với đất thịt.
Giải pháp cắt tỉa: Cắt tỉa tạo tán thông thoáng, hạ thấp chiều cao cây, điều tiết tán cân đối. Tại những vùng có lượng mưa trung bình năm cao, vùng có gió bão nên áp dụng biện pháp cắt tỉa bất đối xứng, không đồng trục(kiểu K1-K2). Có thể kết hợp thêm các biện pháp chằng chống cố định cây(đặc biệt các vị trí xung yếu, vị trí dễ bị gãy cành, tước cành).


Giải pháp chằng chống cây, cố định cây: Có thể sử dụng các trụ bê tông cốt thép liên kết, chằng chống các cành chính, cành cấp 1 của cây, hạn chế lực tước cành, xé cành, ổn định thế tán cây.

Tư vấn kỹ thuật, giải pháp ứng dụng công nghệ nano sinh học trên cây mắc ca

ThS Phạm Công Khải - Hotline: 0976 804 678 * 0835 99 85 99

Email: chuyengianongnghiep24h@gmail.com