Giải pháp phòng trị bổ củi và sâu vẽ bùa trên cây mắc ca (Phần 4)

1.9 Đặc điểm phát sinh, phát triển và giải pháp phòng trừ bổ củi hại mắc ca

Bổ củi là một loài côn trùng thuộc họ Elateridae, bộ cánh cứng (Coleoptera) thường sống trên thân cây gỗ, gỗ mục, gốc cây. Bổ củi có cơ thể dài, kích thước 15-30mm, màu nâu – nâu đen, hai bên mép cánh thường song song nhau và tròn về phía cuối cánh. Râu đầu thường có hình răng cưa và dạng sợi chỉ. Trên mắc ca, bổ củi trưởng thành thường phá hoại đọt non, lá non và mầm hoa, cấu trúc hoa(phấn hoa), quả non, ấu trùng của bổ củi thường ăn rễ. Phần lớn côn trùng trong họ bổ củi gây hại cây trồng, phần nhỏ là thiên địch của rệp (chúng ăn rệp). Đầu của bổ củi rất cứng, khi bị giữ cố định, phần đầu của nó liên tục bổ mạnh xuống đất giống như tư thế một người đang bổ củi nên nó được gọi là bổ củi.

Bổ củi thường bị nhầm với loài côn trùng tương tự về hình thái có tên khoa học là Buprestidae(bổ củi giả). Đa số côn trùng thuộc họ bổ củi giả này có màu sắc kim loại (màu đồng, xanh lá cây, xanh da trời, đen…) sáng đẹp. Cơ thể chúng thường rất cứng, có cấu tạo thành khối rất chắc và thường có hình dạng đặc biệt. Đầu thường bị che khuất tới phần sau của mắt kép.

Giải pháp phòng trị bổ củi hại mắc ca:

+ Cắt tỉa tạo tán thông thoáng, làm sạch cỏ dại xung quanh gốc.

+ Bổ củi là loài côn trùng hoạt động về đêm, chúng bị thu hút bởi bởi ánh sáng. Vào ban ngày, loài côn trùng này ẩn náu trong một nơi an toàn như kẽ hở hoặc các khe nứt của gốc cây hay thân cành. Do đó nếu phát hiện bổ củi cần sử dụng Cypermethrin kết hợp Quinalphos phun xua đuổi và tiêu diệt (phun theo các đợt lộc cành, lộc non, phun vào buổi chiều tối).

1.10 Đặc điểm phát sinh, phát triển và giải pháp phòng trừ sâu vẽ bùa hại mắc ca

Đặc điểm hình thái: Sâu vẽ bùa là ấu trùng của một loài côn trùng thuộc họ bướm đêm (Gracillariidae), bộ cánh vảy (Lepidoptera). Trưởng thành của sâu vẽ bùa là một loại ngài nhỏ, cơ thể dài 2-3 mm, sải cánh rộng 4-5 mm. Toàn thân có màu vàng nhạt phớt ánh bạc. Cánh sau rất hẹp so với cánh trước, cả hai cánh đều có rìa lông dài. Vòng đời của sâu vẽ bùa kéo dài 25-40 ngày (trứng 4-6 ngày, sâu non 7-10 ngày, nhộng 10-12 ngày, trưởng thành 8-10 ngày).

Tập tính gây hại của sâu vẽ bùa: Bướm hoạt động về ban đêm, thường đẻ trứng ở mặt dưới lá gần gân chính của các đọt non mới phát triển. Một trưởng thành sâu vẽ bùa thường đẻ được 60-80 quả trứng, thời gian đẻ trứng từ 5-10 ngày. Sâu non mới nở có kích thước 2-4mm, thường đục chui qua lớp biểu bì của lá để ăn phần nhu mô lá tạo thành đường hầm ngoằn ngoèo dưới lớp biểu bì, phía sau là đường phân thải ra của sâu như sợi chỉ. Đường đục của sâu vẽ bùa dài và lớn dần theo sức lớn của sâu. Khi đẫy sức, sâu non đục ra mép lá, hoá nhộng tại mép lá (gần gân lá), sau đó vũ hóa trưởng thành. Sâu vẽ bùa gây hại làm cho lá non dị dạng, lá nhỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của chồi non, đọt cành.

Thiên địch của sâu vẽ bùa là ong (họ Chalcidoidea và Ichneumonidea) ký sinh trên sâu non và nhộng, đôi khi tỉ lệ kí sinh có thể lên đến 70-80%. Thiên địch bắt mồi của sâu vẽ bùa thường là kiến vàng Oecophylla smaragdina.

Giải pháp phòng trị sâu vẽ bùa hại mắc ca:

+ Định kỳ cắt tỉa tạo tán thông thoáng.

+ Bón phân cân đối, hợp lý, tập trung phát triển lộc cành thành từng đợt.

+ Thường xuyên theo dõi quan sát, bảo vệ đọt non vào các giai đoạn cao điểm phát triển của sâu vẽ bùa. Trường hợp bị hại nặng có thể cắt bỏ các chồi lá bị sâu vẽ bùa tấn công mạnh. Đồng thời phun phòng/trừ sâu vẽ bùa chủ động theo các đợt lộc cành, phun các nhóm thuốc có chứa hoạt chất Chlorantraniliprole kết hợp Abamectin, Imidacloprid, Cypermethrin, Abamectin, Polytrin, Selecron,…

Một số nhóm sâu hại, côn trùng khác trên mắc ca: cào cào, châu chấu, sâu bao, sâu ăn lá, sâu cuốn lá, sâu đo, sâu nái,…

Sâu róm ăn biểu bì ngoài của quả mắc ca

Giải pháp trị sâu tơ, cuốn lá, sâu đo, sâu bao, sâu vẽ bùa, sâu róm:

+ Permethrin 50% kết hợp Lambda cyhalothrin 1%.

+ Quinalphos kết hợp Alpha Cypermethrin.

+ Chlorfenapyr 20% kết hợp Thiamethoxam 15% (trị sâu đa kháng)

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO NANOTECH

Tư vấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp:

ThS Phạm Công Khải - Hotline: 0976 804 678 * 0835 99 85 99

Email: chuyengianongnghiep24h@gmail.com