Giải pháp khắc phục tình trạng cây mắc ca còi cọc chậm lớn, phát triển không đồng đều giai đoạn sau khi trồng.

Qua thống kê theo dõi đặc điểm sinh trưởng phát triển sinh dưỡng, tỷ lệ ra hoa hoa đậu quả, tỷ lệ thu hồi nhân, chất lượng nhân trên các dòng mắc ca. Chúng tôi nhận thấy rằng tại các vùng khí hậu thuộc các tỉnh Tây Bắc rất phù hợp với các dòng mắc ca như QN, A38, 800, 816, 849, 842, 246, 344, 841,..các dòng mắc ca nêu trên sinh trưởng phát triển tốt trên đất Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình. Tuy nhiên một vấn đề tôi nhận thấy đặc điểm chung hầu hết gặp phải ở các dòng mắc ca trong giai đoạn sau khi trồng đó là: Khả năng sinh trưởng sinh dưỡng, phát triển thân cành, tạo tán ở mỗi dòng mắc ca là khác nhau, tính chống chịu với điều kiện bất lợi tự nhiên mỗi vùng trồng cũng khác nhau. Quá trình chăm sóc giống vườn ươm, xử lý đất trước khi trồng không tốt sẽ dẫn đến tình trạng cây phát triển không đồng đều (so sánh giữa các dòng, đặc biệt khi trồng trên đất có tỷ cát cao, hàm lượng hữu cơ thấp). Nhìn chung ở các dòng sau khi trồng đều xảy ra tình trạng “đứng cây, đơ cây” hoặc cây phát triển chậm ở thời gian đầu sau khi trồng. Hầu hết cây 1 năm tuổi trở ra mới đạt tốc độ sinh trưởng cành ổn định. Tuy nhiên có một số dòng sau khi trồng chúng phát triển đọt cành rất nhanh, bộ rễ khỏe như dòng A38, 344, 842, 849, 508. Bên cạnh đó một số dòng có tốc độ phát triển chậm hơn như QN, 816, 800. Các dòng OC, 695, H2, 900 cây sinh trưởng khá tốt tuy nhiên tỷ lệ ra hoa, đậu quả, tỷ lệ thu hồi nhân, hình thái nhân, màu sắc nhân chất lượng thấp hơn các dòng khác. Ở năm thứ 3-4, hầu hết các cây thuộc dòng H2 phân hóa mầm hoa khó hơn, cần phải tác động kỹ thuật điều tiết phân hóa mầm hoa, tỷ lệ ra hoa đậu quả cũng thấp hơn.

Giải pháp khắc phục tình trạng cây mắc ca còi cọc chậm lớn, phát triển không đồng đều giai đoạn sau khi trồng

Mắc ca mang đặc điểm chung của họ Protaceae là rễ cọc kém phát triển. Về cơ bản Mắc ca có kiểu rễ cụm, các rễ cụm này là các khối rễ con ở bên và hệ lông tơ tạo thành một bề mặt hấp thụ tỏa tròn có tâm là gốc cây. Kiểu rễ này làm cho chúng dễ bị tổn thương bởi nấm phytophthora cinnamomi (gây thối rễ, vàng lá) và ít có sự cộng sinh với nấm, vi sinh vật có ích. Mắc ca là nhóm cây ưa khí hậu mát mẻ, nhiệt độ cao và độ ẩm không khí thấp sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây(đặc biệt giai đoạn sau trồng). Cây từ vườn ươm mang ra trồng đại trà, tùy điều kiện chất lượng giống, bầu cây, độ già hóa cành, bộ rễ sẽ tạo nên sức sinh trưởng khác nhau sau khi trồng. Giai đoạn khó khăn nhất đó là quá trình tiếp rễ, bén rễ từ bầu cây ra ngoài môi trường đất. Thời điểm này nếu gặp nắng nóng kéo dài, nhiệt cao, độ ẩm không khí thấp gây khó khăn cho quá trình phát triển của cây (do mắc ca có hệ rễ tơ, rễ cám, không có rễ cọc, rễ không ăn sâu rộng, ăn chủ yếu kiểu tỏa tròn xung quanh gốc cây nên khả năng chịu hạn, chịu nóng, úng của mắc ca khá kém). Chính vì vậy mắc ca sau khi trồng thường bị đứng cây, đơ cây mất 1 thời gian sau đó mới phát triển đều được. Mắc ca sau 1 năm tuổi, nếu điều kiện chăm sóc tốt, phân bón phù hợp sẽ đạt tốc độ phát triển các tầng cành rất nhanh. Nhiều dòng mắc ca không chịu đc nhiệt độ cao gây ra hiện tượng bạc lá do cháy diệp lục, lá mất nước nhanh, lá bị giòn khô, phát triển kém, dị dạng, uốn móc,…do đó sau khi trồng chúng ta cần duy trì tưới nước, duy trì độ ẩm cây phù hợp, tưới thúc rễ, kích rễ bằng các dòng chế phẩm chuyên dùng cho mắc ca, giúp mắc ca thoát đọt sớm, rễ bung mạnh, chống bó rễ, nghẹt rễ,…

Cây còi cọc chậm phát triển, vàng lá thối rễ, lực cây yếu

Vậy để mắc ca sinh trưởng phát triển khỏe mạnh ngay sau khi trồng chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp chăm sóc sau đây:

Một là: Giống trước khi trồng cần được chăm sóc đặc biệt, có chế độ luyện cây, không trồng cây giống khi chưa đạt tiêu chuẩn.

Hai là: Cần chuẩn bị đất trước khi trồng ít nhất 30-50 ngày, cần khảo sát chất đất (hàm lượng hữu cơ, pH, EC đất, tỷ lệ cát-sét trong đất) để có phương án đào hố, bón phân lót phù hợp. Với chân đất có tỷ lệ cát cao, hàm lượng mùn thấp không cần đào hố quá sâu, bởi sau đó sẽ bị nún nhiều, ảnh hưởng đến thế/tán của cây, cây thường bị tụt bầu và nghẹt rễ vào mùa mưa gây nên tình trạng vàng lá thối rễ. Với đất có thành phần cơ giới nhẹ chỉ nên đào hố sâu 45-55cm, rộng 60-80cm, phân bón lót trộn đều với lớp đất mặt dày 40cm, sau đó lấp hố, để ít nhất 30-60 ngày  mới trồng.

Ba là: thực hiện đúng quy trình chăm sóc sau khi trồng, thúc đẩy bộ rễ mắc ca phát triển ngay từ giai đoạn đầu, giúp cây bắn đọt cành  nhanh hơn. Sau khi trồng 5-7 ngày, dùng 500ml chế phẩm nano AKH Super plus pha 150-180 lít nước tưới ẩm gốc, tưới 2-3 lần, cách nhau 7-10 ngày/lần. Kết hợp tưới nước duy trì độ ẩm đất, không để đất bị khô. Sau khi cây bắn đọt cành cấp 1 dài từ 5-15cm cần cắt tỉa tạo tán, tỉa các mầm cành phá tán, không lợi tán, nên giữ lại 3 mầm cành cấp 1, không để cây phát sinh quá nhiều mầm cành(tạo áp lực dinh dưỡng nên cây, cành nhỏ, chậm phát triển). Sau khi cắt tỉa lần 1 xong cần triển khai bón phân NPK 16-16-8 TE, tránh để cây bị thiếu hụt dinh dưỡng.

Một số nguyên tắc khi cắt tỉa mắc ca

+ Cắt tỉa tạo tán theo hướng tán mở rộng, hạn chế chiều cao cây, thông qua điều chỉnh độ cao các tầng cành cấp 1-2-3..

+ Không để cây vọt tán, lệch tán. Điểm cành tạo cấp 1 rất quan trọng, nên để 3 cành cấp 1 về 3 hướng khác nhau. Một số dòng có 4 nách lá có thể để 4 mầm cành, tuy nhiên cây yếu thì chỉ nên để 3 cành cấp 1. Khi cành cấp 1 đủ già hóa, chiều dài tính từ vị trí cành cấp 1 phát sinh lên khoảng 20-25cm tối đa 30cm thì bấm ngọn tiếp tạo cành câp 2,…cứ như vậy cho đến khi cành cấp 3-4,…

+ Khi cắt tỉa cần lựa chọn cành lợi tán để lại, các cành phá tán, cành đan xen nhau, cành lệch tán loại bỏ. Nếu cùng 1 vị trí có từ 2-3 cành phát sinh mà có góc cành nhỏ thì nên tỉa thưa, để lại cành lợi tán, để lại cành mập hơn, loại bỏ cành nhỏ yếu, cành bị sâu bệnh.

+ Thứ tự ưu tiên khi cắt tỉa cành, tạo tán là: Để lại cành lợi tán – cành phân tán đều về các hướng – cành phát sinh đúng vị trí, đúng hướng – cành to khỏe, mập. VD: Ở cùng điểm cành(nách lá) có từ 2-3 mầm cành trở lên, cần lựa chọn ưu tiên cành lợi tán, cành phát sinh cân đối về các hướng. Mặc dù cành mập mạp, to khỏe nhưng phá tán, mọc không đúng vị trí để tạo thế tán cân đối thì cũng nên loại bỏ.

Cây được cắt tỉa có hệ số tán tốt hơn, đường kính tán rộng hơn, tỷ lệ đậu quả cao do có nhiều cành mang quả hon, tăng trưởng năng suất qua từng năm

Tiêu chuẩn cây giống trước khi trồng đại trà:

+ Cây phải có độ già hóa sinh lý (thân, cành, lá).

+ Bầu cây ổn định, bộ rễ phát triển khỏe và đều về các hướng.

+ Đảm bảo cây sạch sâu bệnh.

+ Đảm bảo cây được bấm ngọn đúng kỹ thuật.

+ Không nên chăm sóc cây giống quá lâu trong vườn ươm, bộ rễ phát triển quá già, gây khó khăn cho quá trình bén rễ, tiếp đất sau khi trồng.

Kỹ thuật chăm sóc cây giống vườn ươm trước khi trồng đại trà

Mục đích, yêu cầu kỹ thuật

+ Thúc đẩy bộ rễ phát triển khỏe mạnh cân đối, chống thối rễ, nghẹt rễ, duy trì sức sinh trưởng cho bộ rễ trong thời gian chăm sóc tại vườn ươm.

+ Hỗ trợ bộ rễ phát triển đều về các hướng, ổn định bầu, giúp bầu cây chắc hơn trước khi trồng, tránh vỡ bầu trong quá trình trồng.

+ Tiêu diệt nguồn nấm bệnh gây thối rễ, lở cổ rễ ngay từ khâu giống cây con (nấm phytophthora sp., nấm Fusarium sp., Pythium sp.).

+ Giúp cây giống phát triển đồng đều, đảm bảo khỏe mạnh, sạch sâu bệnh trước khi trồng đại trà.

+ Chủ động điều tiết, định hướng quá trình phát triển cành cấp 1 ngay từ giai đoạn chăm sóc giống (trước khi trồng) qua đó giúp tán cây cân đối, chống tước cành, gãy cành ở thời kỳ kinh doanh bắt quả sau này. Kỹ thuật bấm ngọn và cắt tỉa quyết định đến năng suất, chất lượng quả ở thời kỳ kinh doanh (thời kỳ cây cho quả).

Lưu ý trong quá trình chăm sóc cây giống không để xói bầu cây, khi bầu cây ổn định, lộc và đọt non đủ già mới tiến hành bấm ngọn trước khi trồng, bấm ngọn xong nên trồng ngay, không nên để cây giống phát sinh mầm non ngay sau khi bấm ngọn tại vườn ươm.

Kỹ thuật chăm sóc giống vườn ươm, biện pháp triển khai

Triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật sau đây:

Thứ nhất: Tiêu diệt nguồn nấm khuẩn gây Bệnh tồn tại trên Thân Lá (nấm gây bệnh thán thư, đốm lá, cháy lá, vàng khô đầu lá, thối đọt non). Phòng bệnh toàn diện với phổ rộng, chủ yếu là nấm khuẩn gây bệnh, phòng chủ động virus chổi rồng, đảm bảo cây giống sạch bệnh trước khi trồng đại trà.

Biện pháp triển khai: Dùng 30-50ml chế phẩm nano Đồng Oxyclorua kết hợp 60-80ml nano Bạc Đồng Super pha với 16-20 lít nước phun đều thân lá, phun kỹ 2 mặt lá, định kỳ 7-10 ngày/lần (lưu ý nếu phát hiện có cây nhiễm bệnh cần phân loại riêng và tăng liều lượng sử dụng). Ngoài ra cần phải kết hợp sử dụng thuốc trừ sâu, côn trùng chích hút với mục đích phòng trước khi trồng hoặc nếu có phát sinh cần phun xử lý thuốc đặc trị ngay (có Hướng Dẫn phần sau).

Thứ hai: Tiêu diệt nguồn nấm bệnh hại Bộ Rễ (bệnh lở cổ rễ, thối rễ vàng lá), đồng thời bổ sung nano khoáng nano Ca.SiO2 cho cây (dùng nano canxi super), giúp cây tăng đề kháng, già lá nhanh, chống lốp lá.

Biện pháp triển khai: Dùng 700-800ml chế phẩm nano Bạc đồng super kết hợp 500ml nano Canxi-Silic SiO2 pha với 250-300 lít nước tưới ẩm bầu cây (trong thời gian chăm sóc giống vườn ươm nên tưới 1-2 lần, cách nhau 7-10 ngày/lần_ít nhất phải tưới được 1 lần trong cả quá trình chăm sóc giống tại vườn ươm).

Lưu ý: Khi sử dụng đồng thời nano bạc đồng super, nano canxi super nên pha loãng từng loại chế phẩm trước khi hỗn hợp chung, pha xong nên tưới ngay, không để lâu.

Thứ ba: bổ sung hệ vi sinh vật có lợi cho bộ rễ, giúp rễ phát triển đồng đều, tăng cường sức đề kháng cho bộ rễ, giúp bộ rễ “tiếp đất” nhanh sau khi trồng, bầu cây chắc chắn và ổn định, hạn chế vỡ bầu.

Biện pháp triển khai: Sử dụng 1 lít chế phẩm Biotech.Emuniv pha với 300 lít nước tưới ẩm bầu cây (tưới 1-2 lần, 7 ngày/lần).

Thứ tư: Vấn đề bấm ngọn, định hình tay cành cấp 1

Định hình tán rất quan trọng, ngay từ cành cấp 1, nếu định hình sai, sau này cây dễ bị phá tán nhanh, năng suất sản lượng quả không ổn định. Nên tạo 3 tay cành cấp 1 ngay từ đầu, sau đó nuôi các cành cấp 2-3,..ở các giai đoạn chăm sóc sau trồng (năm đầu). Áp dụng giải pháp bấm ngọn sau đó trồng ngay, không để cây giống bật mầm sinh dưỡng ở giai đoạn cây trong bầu, bởi một khi bấm ngọn, hủy ưu thế ngọn, chồi bên sẽ hình thành ngay. Khi chồi bên hình thành mà cây không đáp ứng được dinh dưỡng thì mầm nhỏ, yếu, dị dạng, không thoát tay cành cấp 1 rõ rệt, gây khó khăn cho việc định hình tán, hơn nữa thời kỳ phát triển tay cành cấp 1 cần dinh dưỡng đủ khỏe và không gian sống của bộ rễ đủ lớn thì cành cấp 1 mới phát triển đồng bộ, tập trung. Khi tiến hành bấm ngọn nên lựa chọn vị trí bấm từ vị trí nách lá thứ 5-7 tùy giống. Bấm ngọn quá thấp hoặc quá cao đều ảnh hưởng đến sức sinh trưởng của cành cấp 1, độ bền cũng như năng suất quả, chất lượng hạt sau này,...

Sau khi bấm ngọn xong, dùng 60ml chế phẩm nano bạc đồng super kết hợp 30ml nano Đồng oxyclorua pha với 15 lít nước phun đều tán lá, phun tập trung vào phần vết thương hở vừa bấm ngọn (nhanh liền sẹo).

Lưu ý trong quá trình chăm sóc giống vườn ươm: dùy trì độ ẩm đất thích hợp, không tưới quá thừa ẩm, cũng không để bầu bị quá khô, trước khi trồng cần cắt nước tưới, tránh để bầu thừa ẩm (nguy cơ vỡ bầu, đứt rễ tơ).

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO NANOTECH

Tư vấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp:

ThS Phạm Công Khải - Hotline: 0976 804 678 * 0835 99 85 99

Email: nanobacsuper@gmail.com