Đặc điểm hình thái, phát sinh phát triển của tuyến trùng:
Tuyến trùng là sinh vật hạ đẳng thuộc ngành giun tròn thường sống tập trung nhiều ở tầng đất canh tác. Tuyến trùng có hình dạng giống con giun, chiều dài trung bình 500 - 1100µm(tùy loài), chiều dài kim chích hút 10-13µm. Tuyến trùng cái trưởng thành có thể nhìn bằng mắt thường, tuy nhiên tuyến trùng tuổi 1-2 chỉ có thể nhìn trên kính hiển vi (giai đoạn nhiễm và gây hại chính).
Trên mắc ca, có 3 loài tuyến trùng gây hại phổ biến:
+ Tuyến trùng nốt sưng M.incognita (chi Meloidogyne): tuyến trùng nội ký sinh, tạo u sưng trên rễ, cản trở quá trình trao đổi chất, vận chuyển dinh dưỡng của rễ.
+ Tuyến trùng P.pseudoparientinus (chi Pratylenchus): tuyến trùng bán nội ký sinh, gây thối rễ vàng lá, phá hủy hoàn toàn hệ thống rễ cây.
+ Tuyến trùng T.semipenetrans(chi Tylenchulus): tuyến trùng bán nội ký sinh, làm cho rễ bị sưng phồng, biến dạng.
Các giai đoạn phát triển của tuyến trùng: trứng – tuyến trùng non – phân hóa giới tính chuyển thành tuyến trùng trưởng thành. Tuyến trùng sinh sản đơn tính hoặc lưỡng tính (tùy loài). Vòng đời của tuyến trùng kéo dài 50-70 ngày. Mỗi tuyến trùng trưởng thành có thể đẻ 300-3000 quả trứng, tỷ lệ nở 15-30%, tuyến trùng tập trung ở tầng đất 5-15cm, độ ẩm thích hợp chúng phát triển 60-70%.
Triệu chứng gây hại của tuyến trùng: Tuyến trùng có hệ men khá phong phú (amilaza, pectinaza, cellulaza, proteaza,…). Quá trình gây hại cây, chúng dùng kim chích hút rễ, phá hủy hệ thống rễ làm cản trở quá trình sống và trao đổi chất của bộ rễ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của cây. Tuyến trùng nốt sưng xâm nhập vào bộ rễ, tạo nhiều u sưng nối tiếp nhau trên rễ. Tại đây tuyến trùng tiết ra các enzyme làm cho tế bào rễ sinh sản quá độ, phình to, tạo các u sưng to nhỏ khác nhau trên bộ rễ, gây tắc nghẽn mạch dẫn. Về cơ bản các loài tuyến trùng tập trung phá hủy hệ thống rễ cây, làm cho bộ rễ kém phát triển(thậm chí ngừng phát triển), rễ ngắn, rễ bị u sưng và dị dạng cong queo, cây lùn và còi cọc, đọt non không phát triển, vàng lá, cây khô héo (do quá trình vận chuyển dinh dưỡng nuôi cây bị ngưng trệ). Ngoài ra tuyến trùng còn tạo vết thương hở trên rễ qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho nấm và vi khuẩn xâm nhiễm gây thối đen rễ, thối mục rễ hoàn toàn (nấm Fusarium sp., Phytophthora sp.). Trên đất cát, đất thịt nhẹ tỷ lệ nhiễm tuyến trùng khá cao, tập trung cuối mùa khô, đầu mùa mưa.
Giải pháp phòng trị tuyến trùng hại cây mắc ca:
+ Đào hố, bón phân lót trước khi trồng 30-45 ngày, khi bón lót hố không sử dụng phân tươi hoặc phân chưa hoai mục hoàn toàn.
+ Thúc đẩy bộ rễ phát triển khỏe mạnh ngay sau khi trồng, chống thối rễ, nghẹt rễ, bó rễ, giúp đọt non phát triển khỏe mạnh đồng đều (dùng 500ml chế phẩm nano AKH super plus pha 200-250 lít nước tưới ẩm gốc mắc ca sau khi trồng 5-10 ngày, tưới 2 lần liên tiếp, cách nhau 7-10 ngày/lần).
+ Tuyến trùng hại rễ, tạo vết thương hở trên rễ nên cần phối hợp thuốc trừ nấm chống thối rễ, nghẹt rễ. Cụ thể:
Công thức 1: Sử dụng 500ml nano Bạc Đồng Super(3000ppm), nano Đồng oxyclorua 32000ppm kết hợp Abamectin 20g/lít (tưới ẩm gốc).
Công thức 2: Sử dụng nano Đồng oxyclorua 32000ppm kết hợp với Fluopyram 400g/lít (tưới ẩm gốc).
Công thức 3: sử dụng một số loài nấm, vi khuẩn đối kháng/ký sinh tưới gốc (Trichoderma viride, Verticillium clamydosporium; Pseudomonas fluorescens, Bacillus subtilis,…).
TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO NANOTECH
Tư vấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp:
ThS Phạm Công Khải - Hotline: 0976 804 678 * 0835 99 85 99
Email: nanobacsuper@gmail.com