1.Yêu cầu điều kiện sinh thái của cây mắc ca
+ Lượng mưa trung bình năm 1800-2500mm. Thời kỳ hoa rộ, đậu quả non nếu gặp mưa, sương muối, độ ẩm không khí cao thường gây rụng hoa và quả non.
+ Độ pH đất 6-6,5, đất có tầng canh tác dày 80-100cm, đất thoát nước tốt. Mắc ca không ưa đất ẩm trũng thấp, đất yếm khí, kém thoát nước, nghèo hữu cơ (cây mắc ca thường bị thối rễ, nghẹt rễ).
+ Độ cao so với mặt nước biển 600-1000m trở lên.
+ Độ dốc không quá 15-20o. Đối với đất dốc nên trồng theo đường đồng mức. Cây mắc ca là cây ưa sáng, không trồng dưới tán cây khác. .
+ EC đất từ 0,5-1,3, tuy nhiên với Macca tối ưu nhất 0,7-0,8.
+ Ảnh hưởng của nhiệt độ đến sinh trưởng phát triển cây mắc ca:
Trên lý thuyết Macca có thể chịu lạnh tới âm 4-6oC, chịu nóng tới 35-37oC. Tuy nhiên nhiệt độ tối thích để cây macca phát triển thuận lợi là 18-27oC, dưới 10-12oC hoặc trên 38oC cây ngừng sinh trưởng, ức chế quang hợp. Thực tế cho thấy khi nhiệt độ trên 38oC hầu hết các lá non bị mất màu xanh tự nhiên, do không tổng hợp được diệp lục(xảy ra ở một số giống). Phân hóa mầm hoa của mắc ca phụ thuộc vào tổng tích ôn(nhiệt độ). Nhiệt độ để cây phân hóa mầm hoa thuận lợi 16-20oC (tối ưu 18oC). Nhiệt độ thích hợp để mắc ca đậu quả 20-25oC. Theo nghiên cứu, thống kê tại các vùng trồng mắc ca Việt Nam, khi nhiệt độ ban đêm dưới 11oC hoặc trên 22oC hầu như các giống mắc ca không thể phân hóa mầm hoa. Nhìn chung ở nhiệt độ 18-19oC, kết hợp với biên độ nhiệt độ ngày đêm 8-10oC sẽ thúc đẩy quá trình phân hóa mầm hoa. Do đó ở những vùng có khí hậu nóng ẩm, người ta thường chọn vùng núi cao từ 600m đến 1000m để trồng. Nếu chăm sóc tốt, điều kiện khí hậu thuận lợi, mắc ca 2-2,5 năm tuổi đã cho bói, tuy nhiên mắc ca bắt đầu cho năng suất, chất lượng hạt ổn định từ năm thứ 6-8 trở đi.
Mắc ca 2,5 năm tuổi cho bói quả - Tại Tuần Giáo Điện Biên 04/2020
2.Đặc điểm sinh vật học cây mắc ca
Mắc ca Mắc ca thuộc họ proteacaea, chi Macadamia, có nguồn gốc từ Úc, tên khoa học là Macadamia tetraphylla và Macadamiategrifolia.
Đặc điểm sinh học bộ rễ: Mắc ca mang đặc điểm chung của họ Protaceae là rễ cọc kém phát triển. Về cơ bản Mắc ca có kiểu rễ cụm, các rễ cụm này là các khối rễ con ở bên và hệ lông tơ tạo thành một bề mặt hấp thụ tỏa tròn có tâm là gốc cây. Kiểu rễ này làm cho chúng dễ bị tổn thương bởi nấm phytophthora cinnamomi (gây thối rễ, vàng lá) và ít có sự cộng sinh với nấm, vi sinh vật có ích. Bộ rễ Mắc ca chủ yếu phân bố trong tầng đất 70-80cm trở lại, trong đó 70% tập trung tầng đất mặt (từ 0-30cm). Mắc ca có bộ rễ cọc kém phát triển, tán nặng, rễ nông nên chúng chịu gió bão kém, cây dễ bật gốc, tước cành, đặc biệt là vị trí phân tán cành cấp 1, nhiều trường hợp có 2-3 cành cấp 1 mọc ra cùng một vị trí ở 3 nách lá khác nhau. Do đó kỹ thuật chăm sóc, bón phân cho mắc ca cần phải bón đúng kỹ thuật, bón dựa vào tuổi cây, nhu cầu dinh dưỡng của cây. Bón thừa, thiếu hoặc mất cân đối sẽ làm cây còi cọc chậm phát triển, cây dễ bị nhiễm bệnh, hiệu suất sử dụng phân bón không cao.
Chính vì đặc điểm bộ rễ cây mắc ca cho nên nếu bón phân không đúng cách hiệu suất sử dụng phân bón cho mắc ca không cao, dinh dưỡng đưa từ đất lên các bộ phận trên mặt đất chậm hơn so với các cây ăn quả thân gỗ khác dẫn đến việc rụng quả non khó kiểm soát, ở các giai đoạn sau vẫn xảy ra tình trạng rụng quả non rải rác.
Đặc điểm sinh học thân lá:
Thân Mắc ca thẳng đứng, phân cành nhiều. Cành tròn đều có nhiều mụn lồi (Bì khổng), vỏ nhám không xẻ cành, vết cắt trên vỏ có màu đỏ tối, gỗ rất cứng. Trên thân cành có 3 hoặc 4 lá mọc cách theo đường xoáy ốc. Lá cứng, mép lá lượn sóng, mặt lá thường uốn lượn, lá nguyên mép hoặc có răng cưa, đôi khi răng cưa nhọn cứng như gai, gân lá nổi rất dễ thấy. Hầu hết các giống mắc ca thường chịu hạn tốt, bộ lá có cấu trúc 2 mặt khác nhau, lỗ khí khổng và thủy khổng phân bố không đồng đều ở cả 2 mặt, lá có lớp cutin bảo vệ khá dày, sức căng bề mặt lớn do đó các dạng phân bón lá dạng Chelate thông thường khi phun qua lá sẽ không đạt hiệu quả tối ưu. Vì vậy để đạt hiệu quả hấp thu qua lá cao, nên sử dụng các dòng chế phẩm dinh dưỡng cho cây ở dạng nano dễ hấp thu. Các hạt nano có kích thước siêu nhỏ bé, có thể bám trên các kẽ lá, hấp thu nhanh qua khí khổng và thủy khổng, hiệu suất hấp thu dinh dưỡng cao hơn, tốc độ hấp thu cũng lớn hơn so với các dạng phân bón lá được sản xuất theo công nghệ truyền thống.
Đặc điểm sinh học của hoa mắc ca: Hoa tự đuôi sóc mọc ra từ cành 1,5 đến 2 tuổi, có khi cành 3 tuổi vẫn trổ hoa, tập trung chủ yếu ở đầu cuối đoạn cành. Hoa thường mọc thành chùm đôi hoặc 3-4 bông trên 1 cuống hoa chung dài 3-4 mm, mỗi bông dài khoảng 12mm. Hoa lưỡng tính, cánh hoa thoái hoá, mỗi bông có 4 cánh hoa do 4 cánh đài hoa mọc dài ra mà thành, trước khi nở chúng dính liền nhau thành búp dài tròn. Bầu hoa thượng vị chứa 2 phôi châu nhưng thường chỉ 1 phôi phát dục và sau này tạo thành hạt tròn. Nếu cả 2 phôi đều thụ tinh tốt quả sẽ chứa 2 hạt hình bán cầu chất lượng thương phẩm sẽ kém. Nhuỵ cái rất dài, trước khi hoa nở vòi nhị cái dài ra rất nhanh, uốn cong và lách ra khỏi búp cánh rồi vươn thẳng, 4 nhuỵ đực đính trên 4 cánh giả và chỉ bật ra được khi hoa đã nở, nhị đực uốn cong xuống phía dưới cách xa đầu nhuỵ cái. Do đó phối hợp nhiều giòng để thụ phấn chéo nhờ côn trùng là cần thiết.
Đặc điểm sinh học quả mắc ca: quả có kích thước khoảng 1,7-2.7cm, nặng 8-9,5g, vỏ quả dày 2-3mm. Quả thường mọc thành chùm 3-16 quả trên cuống hoa tự. Vỏ quả gồm 2 lớp gồm lớp vỏ ngoài láng bóng tạo nên bởi những tế bào dạng sợi và lớp áo trong tạo nên bởi tế bào nhu mô, khi lớp áo này chuyển màu từ trắng sang nâu rồi đen là dấu hiệu cho thấy quả đã chín. Trong sản xuất người ta thường dựa vào đặc điểm này để đánh giá độ chín của quả. Hạt rất cứng, gồm lớp vỏ dày 2-5mm, nhân tạo nên bởi 2 tử diệp hình bán cầu chứa đầy phôi nhũ và phôi hình cầu rất nhỏ gắn giữa 2 tử diệp và nằm sát lỗ nẩy mầm. Tuy rất nhỏ nhưng phôi thành thục vẫn có đủ trục phôi, mầm thân và mầm rễ. Trên vỏ hạt có thể thấy rốn hạt, lỗ nẩy mầm và đường gân chạy liền giữa rốn và lỗ nẩy mầm, khi nẩy mầm vỏ hạt sẽ nứt theo đường gân này. Vỏ hạt gồm 2 lớp, lớp ngoài dày gấp 15 lần lớp áo trong và tạo ra bởi những tế bào có lớp vỏ cenlulose rất dày và tế bào thạch. Khi già cả 2 loại tế bào này đều hoá gỗ cao độ làm cho vỏ hạt rất cứng. Trong khi đó lớp áo trong rất mỏng, phần sát rốn hơi có màu nâu, phần sát lỗ nảy mầm màu trắng sữa.
TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO NANOTECH
Tư vấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp:
ThS Phạm Công Khải - Hotline: 0976 804 678 * 0835 99 85 99
Email: nanobacsuper@gmail.com