Nguyên nhân gây nên tình trạng rụng quả non hàng loạt trên cây mắc ca vào mùa mưa

Qua nghiên cứu tìm hiểu, so sánh đánh giá tôi xin chia sẻ một số quan điểm sau:

Thứ nhất: Do cây bị sâu bệnh thời kỳ hoa rộ và đậu quả non.

Đặc biệt là nhóm bệnh thán thư, bệnh khô cháy hoa do nấm phytophthora sp., colletotrichum (gây thối chỉ nhị, hỏng bầu nhụy, chết hạt phấn, giảm tỷ lệ thụ phấn), bệnh nấm cuống (làm teo cuống và thối cuống quả). Ngoài nấm bệnh thì sâu và côn trùng chích hút cũng gây hại trực tiếp cấu trúc hoa gây rụng hoa và quả non hàng loạt (rệp sáp, rệp muội, bọ trĩ, sâu cuốn lá, sâu đục quả…).

Thứ hai: Do điều kiện bất lợi của thời tiết

Các điều kiện bất lợi của thời tiết ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu quả non đó là: mưa ẩm, mưa acid, nhiệt độ xuống thấp hoặc quá cao, tăng giảm đột ngột gây sốc nhiệt. Giải nhiệt độ để mắc ca phân hóa mầm hoa là 16-19oC (tối ưu 18oC), khoảng nhiệt độ phù hợp để mắc ca thụ phấn - thụ tinh hình thành quả non thuận lợi 20-24oC, độ ẩm không khí 65-80% (nhiệt độ cao nhất ban ngày không vượt quá 27-29oC).

Mưa ẩm ở thời kỳ hoa nở rộ đậu quả non làm cho quả non rụng khó kiểm soát. Hạt phấn và nhụy cái của mắc ca thường không chịu được điều kiện ẩm bão hòa liên tục. Ẩm độ cao làm cho hạt phấn bị bết ướt, ngậm nước làm giảm tỷ lệ thụ phấn chéo và hạt phấn thường bị chết sau một vài giờ tung phấn, hơn nữa trong điều kiện nóng ẩm các chỉ nhị thường bị nấm mốc gây hại (thán thư) dẫn đến việc giảm tỷ lệ thụ phấn, nhiều trường hợp hoa rụng trước khi hình thành quả non. Trong nước mưa thường có hàm lượng axít (H+) và nitrate (NO3-) nhất định. Chính hàm lượng axít và nitrate này ảnh hưởng tiêu cực tỷ lệ đậu quả của mắc ca(giảm tỷ lệ đậu). Ngoài ra trong điều kiện độ ẩm không khí cao hơi nước kết hợp với khí CO2 hình thành nên acid yếu H2CO3, acid này tiếp tục phân ly thành ion H+ (ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, thụ tinh, đồng thời làm giảm lượng Ca tại tầng rời cuống, gây teo cuống, rụng hoa và quả non). Do đó người ta thường trọn các vùng trồng mắc ca có địa hình cao, thoát nước tốt, ít tích tụ hơi nước cục bộ, hạn chế ảnh hưởng điều kiện thời tiết bất lợi (đặc biệt ở thời kỳ hoa nở rộ, đậu quả non).

Một vấn đề khác nữa có thể kể đến đó là thời gian nở hoa kéo dài (trên cùng 1 chùm hoa tự, thời gian để hoa nở hết kéo dài từ 1,5-4 ngày). Thêm nữa sau quá trình thụ phấn, hạt phấn rơi trên đầu vòi nhụy cái nhưng phải mất từ 16-24 tiếng nó mới nảy mầm thành công, thậm chí lâu hơn. Ở mắc ca nhị đực thường chín trước nhụy cái, cộng thêm thời gian hoa nở và thụ phấn - thụ tinh kéo dài làm ảnh hưởng đến sức sống của hạt phấn nên tỷ lệ thụ tinh thành công rất thấp(đây chính là lý do phải trồng xen kẽ nhiều dòng mắc ca khác nhau trên cùng một diện tích - mục đích nâng cao tỷ lệ thụ phấn chéo). Thực tế cho thấy, nếu tính trung bình mỗi chùm hoa có 300-330 bông hoa, tỷ lệ thụ phấn là 60-75%(còn tùy điều kiện thời tiết lúc hoa nở rộ), trong số đó chỉ có 8-16% số hoa được thụ tinh thành công (phần lớn không quá 18-20%). Tuy nhiên kết quả cuối cùng chỉ có 0,4-1,8% số quả non phát triển ổn định cho đến khi già chín, một số vùng trồng mắc ca tại Việt Nam tỷ lệ này được ghi nhận còn thấp hơn (0,3 đến dưới 1%). Phần lớn số hoa được thụ phấn nhưng quá trình thụ tinh chưa thành công dẫn đến tỷ lệ đậu quả thấp, đến thời kỳ quả non thường bị rụng sinh lý ở tỷ lệ cao, khó kiểm soát nếu gặp điều kiện thời tiết bất lợi, chế độ phân bón, nước tưới không phù hợp...Ngoài ra một số vùng trồng mắc ca có chế độ tưới, tiêu không chủ động(dựa vào nước trời), dẫn đến rụng quả ngay cả thời kỳ quả đã lớn ( quả đang phát triển). Cây đang mang quả bị thiếu nước, khô hạn – khi gặp mưa rất dễ rụng. Để khắc phục tình trạng này nên duy trì ẩm độ đất vừa phải và liên tục (tránh tình trạng sốc nước).

Nguyên nhân thứ ba: Do thiếu dinh dưỡng trung, vi lượng và mất cân bằng dinh dưỡng các yếu tố đa lượng và vi lượng

Thừa hoặc thiếu dinh dưỡng đa, trung vi lượng ảnh hưởng đến chất lượng hoa, làm giảm tỷ lệ đậu quả, dinh dưỡng không đủ để duy trì sức sinh trưởng của cây dẫn đến tình trạng rụng quả non. Thời kỳ phân hóa mầm hoa, phát triển mầm hoa, hoa rộ, đậu quả non nếu cây mắc ca được cung cấp đầy đủ, cân đối dinh dưỡng đa trung vi lượng, hàm lượng hữu cơ trong đất cao sẽ giúp cây chống rụng tốt, quả lớn đều, nâng cao năng suất chất lượng quả. Ngoài dinh dưỡng vấn đề độ ẩm đất có ảnh hưởng đến phát triển mầm hoa và tỷ lệ đậu quả. Thời kỳ phát triển mầm hoa, chùm hoa cây cần độ ẩm đất vừa phải để hoa to khỏe, đất quá khô sẽ làm cho chùm hoa nhỏ, ngắn. Giai đoạn đậu quả non đất thiếu ẩm hoặc thừa ẩm cũng gây rụng quả non.

Nguyên nhân thứ tư: Do đặc điểm sinh học bộ lá và rễ cây mắc ca

Mắc ca thuộc họ Proteaceae nên đặc điểm sinh học bộ rễ và lá của cây mắc ca rất khác so với các nhóm cây ăn quả thân gỗ nói chung. Cụ thể:

+ Về đặc điểm sinh học bộ rễ: Mắc ca mang đặc điểm chung của họ Protaceae là rễ cọc kém phát triển. Về cơ bản Mắc ca có kiểu rễ cụm, các rễ cụm này là các khối rễ con ở bên và hệ lông tơ tạo thành một bề mặt hấp thụ tỏa tròn có tâm là gốc cây. Kiểu rễ này làm cho chúng dễ bị tổn thương bởi nấm phytophthora cinnamomi (gây thối rễ, vàng lá) và ít có sự cộng sinh với nấm, vi sinh vật có ích. Bộ rễ Mắc ca chủ yếu phân bố trong tầng đất 70-80cm trở lại, trong đó 70% tập trung tầng đất mặt (từ 0-30cm). Mắc ca có bộ rễ cọc kém phát triển, tán nặng, rễ nông nên chúng chịu gió bão kém, cây dễ bật gốc, tước cành, đặc biệt là vị trí phân tán cành cấp 1, nhiều trường hợp có 2-3 cành cấp 1 mọc ra cùng một vị trí ở 3 nách lá khác nhau. Do đó kỹ thuật chăm sóc, bón phân cho mắc ca cần phải tính toán kỹ lưỡng, bón dựa vào tuổi cây, nhu cầu dinh dưỡng của cây. Bón thừa, thiếu hoặc mất cân đối sẽ làm cây còi cọc chậm phát triển, cây dễ bị nhiễm bệnh, hiệu suất sử dụng phân bón không cao.

Chính vì đặc điểm bộ rễ cây mắc ca cho nên hiệu suất sử dụng phân bón cho mắc ca không cao, dinh dưỡng đưa lên từ đất lên các bộ phận trên mặt đất chậm hơn so với các cây ăn quả thân gỗ khác dẫn đến việc rụng quả non khó kiểm soát, ở các giai đoạn sau vẫn xảy ra tình trạng rụng quả non rải rác.

+ Về đặc điểm sinh học bộ lá: Hầu hết các giống mắc ca thường chịu hạn tốt, bộ lá có cấu trúc 2 mặt khác nhau, lỗ khí khổng và thủy khổng phân bố không đồng đều ở cả 2 mặt, lá có lớp cutin bảo vệ khá dày, sức căng bề mặt lớn do đó các dạng phân bón lá dạng Chelate thông thường khi phun qua lá sẽ không đạt hiệu quả tối ưu. Vì vậy để đạt hiệu quả hấp thu qua lá cao, nên sử dụng các dòng chế phẩm dinh dưỡng cho cây ở dạng nano dễ hấp thu. Các hạt nano có kích thước siêu nhỏ bé, có thể bám trên các kẽ lá, hấp thu nhanh qua khí khổng và thủy khổng, hiệu suất hấp thu dinh dưỡng cao hơn, tốc độ hấp thu cũng lớn hơn so với các dạng phân bón lá được sản xuất theo công nghệ truyền thống.

Giải pháp chống rụng quả non trên mắc ca:

Thời kỳ hoa nở rộ nếu gặp mưa ẩm: Dùng 500ml nano canxi cacbonate kết hợp 500ml nano bạc đồng pha 200-300 lít nước phun đều tán lá, định kỳ 7-10 ngày/lần.

Thời kỳ hình thành quả non, chống rụng quả: Dùng 500ml nano canxi super kết hợp 500ml nano bạc đồng pha 300 lít nước phun đều tán lá, định kỳ 7 ngày/lần. Phun 2-3 lần liên tiếp đạt hiệu quả tối ưu.

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO NANOTECH

Tư vấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp:

ThS Phạm Công Khải - Hotline: 0976 804 678 * 0835 99 85 99

Email: nanobacsuper@gmail.com