Kỹ thuật chăm sóc cây mắc ca giai đoạn ra hoa đậu quả, chống rụng quả non cho mắc ca

Phần 1: Yêu cầu kỹ thuật đối với mắc ca chuẩn bị bước vào giai đoạn kinh doanh

Cần đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật sau trước khi triển khai các biện pháp chăm sóc mắc ca thời kỳ kinh doanh bắt quả (năm thứ 4):

Thứ nhất: Cắt tỉa tạo tán thông thoáng theo hướng tán mở, tạo thế tán cân đối

Thời kỳ kiến thiết cơ bản cần thực hiện cắt tỉa tạo tán thông thoáng, cắt tỉa theo hướng tán mở, hạ thấp chiều cao cây, thúc đẩy tán mở rộng theo chiều ngang, điều tiết khoảng cách giữa các tầng cành không quá cao. Hàng năm thực hiện cắt tỉa và hạn chế cành vượt, cành đan xen nhau, nâng cao chỉ số diện tích lá tối ưu, điều tiết các cành mang quả ở các vị trí phù hợp (việc cắt tỉa tạo tán, sửa tán thực hiện định kỳ thường xuyên). Đặc biệt chú ý kỹ thuật cắt tỉa, điều tiết tán từ năm 3 sang năm thứ 4. Ngoài ra trong 3 năm nuôi cây kiến thiết, cần thực hiện biện pháp tỉa cành đồng cấp, tức ở mỗi nách lá chỉ nên để tối đa 3 tay cành phát triển về các hướng khác nhau sao cho lợi tán và định hướng tập trung dinh dưỡng nuôi chúng thành thục, già hóa, không nên để quá nhiều mầm cành phát sinh tại một vị trí.

Việc cắt tỉa cành, tạo tán có ảnh hưởng đến tỷ lệ ra hoa, đậu quả, chất lượng quả của mắc ca ở năm thứ 4 trở đi. Thân chính càng cao thì khoảng cách giữa các cành mang quả, cành sinh dưỡng so với bộ rễ dưới đất càng xa, điều này khiến cho cây chậm ra quả đồng thời ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển dinh dưỡng nuôi các bộ phận trên mặt đất. Đặc biệt thấy rõ nhất ở thời kỳ ra hoa đậu quả non, dinh dưỡng rất cần thiết cho cây giai đoạn này. Nếu dinh dưỡng khoáng không được vận chuyển kịp thời qua hệ thống mạch dẫn nuôi hoa quả non sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu quả, dưỡng quả (dinh dưỡng nuôi quả non bị hạn chế, gián đoạn sẽ dẫn đến tình trạng rụng quả sinh lý, bỏ quả).

Thứ hai: Chế độ phân bón cân đối hợp lý (hữu cơ và vô cơ), bón theo nhu cầu dinh dưỡng của cây ở từng thời kỳ. Đối với phân khoáng, cần sử dụng đúng chủng loại phân 16-16-16 + TE (S, Ca, Mg, Si, Zn, Mo, Mn). Bón đúng kỹ thuật và phương pháp bón, hạn chế ngộ độc phân bón, chăm sóc bộ rễ phát triển khỏe mạnh, phát triển đồng đều về các hướng (không để nghẹt rễ, thối rễ, vàng lá).

Cắt tỉa và bón phân là 2 biện pháp luôn đi đôi với nhau, hỗ trợ cho nhau với mục tiêu tạo sức sinh trưởng khỏe mạnh cho cây, thế tán cây cân đối, tạo cho tán thông thoáng, qua đó hạn chế sâu bệnh hại. Sinh trưởng của lộc cành có liên quan mật thiết với phân hóa mầm hoa, sự phát triển của quả. Nếu cành lá quá yếu, khả năng quang hợp đồng hóa của cây kém do đó quá trình phân hóa mầm hoa, nuôi dưỡng quả bị ảnh hưởng. Ngược lại cành lá sinh trưởng quá mạnh, thời gian sinh trưởng cành sinh dưỡng kéo dài thì cây rất khó chuyển sang giai đoạn sinh trưởng sinh thực (phân hóa mầm hoa). Do đó quá trình chăm sóc, bón phân, cắt tỉa tạo tán cần phối hợp với nhau một cách hợp lý, cân đối.

Lưu ý: Bón phân đúng kỹ thuật, đúng lượng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây, trước khi bón nên xới đất phá váng bề mặt, tạo rãnh đủ sâu-rộng theo vùng sinh trưởng của rễ cây, hạn chế tình trạng ngộ độc phân bón.

Thứ ba: Quản lý sâu bệnh hại tổng hợp

Mỗi thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây cần có các giải pháp phòng trị sâu bệnh phù hợp và hiệu quả, giúp cây phát triển cân đối khỏe mạnh trước khi bước vào giai đoạn kinh doanh bắt quả.

Thứ tư(quan trọng): ở năm thứ 3, chủ động giải pháp bón phân kết hợp cắt tỉa hợp lý. Bón thúc ít nhất được 3 đợt lộc cành bằng loại phân chuyên dùng đặc biệt ở đợt lộc cành cuối cùng cần cân đối tỷ lệ NPK kết hợp khoáng trung vi lượng, thúc đẩy cành già hóa nhanh (tỷ lệ C/N > 1). Nên có kế hoạch bón phân tập trung theo các đợt sinh trưởng của cành sinh dưỡng phù hợp với điều kiện thời tiết từng vùng. Vào đợt bón phân cuối cùng của năm 3, không bón quá sớm hoặc không quá muộn, đưa cành mẹ dự kiến mang quả vào trạng thái ngủ nghỉ từ 25-45 ngày, chuẩn bị cho giai đoạn phân hóa mầm hoa.

Phần 2: Kỹ thuật chăm sóc mắc ca kinh doanh thời kỳ sau thu hoạch

2.1 Phân bón cho mắc ca kinh doanh thời kỳ sau thu hoạch

Quan sát tổng thể sinh trưởng của cây, khi cành đạt trạng thái già hóa ổn định (tháng 11-12) thực hiện các biện pháp “tiền bón phân” như  làm cỏ xung quanh gốc kết hợp thao tác cơ giới tạo rãnh sâu 15-20cm, rộng 40-50cm (căn cứ vào khu vực phân bố của bộ rễ và hình chiếu tán cây, chú ý hạn chế làm tổn thương cơ giới bộ rễ). Sau khi làm cỏ gốc, tạo rãnh, xử lý phá váng đất xung quanh bộ rễ, không bón phân ngay mà nên để 15-20 ngày mới tiến hành bón phân, lấp đất với mục đích siết nước, tạo stress ngắn hạn cho cây, chủ động đưa cây vào trạng thái ngủ nghỉ. Với mắc ca có độ tuổi trên 7 năm, việc phá váng, tạo rãnh trước khi bón phân có ý nghĩa quan trọng: Tạo stress ngắn hạn, siết nước, đưa cây vào trạng thái ngủ nghỉ ủ mầm hoa tập trung, hạn chế sinh trưởng sinh dưỡng, chuẩn bị cho giai đoạn phân hóa mầm hoa.

Sau khi tạo rãnh xung quanh tán cây, dùng vôi bột CaO hoặc CaCO3 bón rải đều xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây với độ rộng ít nhất 40-50cm(tính từ vị trí +20-30cm mép tán trở vào). Chú ý bón cách xa Lân Super ít nhất 15 ngày, lượng bón phụ thuộc vào chỉ số pH đất, trung bình mỗi cây bón 0,5-1,2kg (pH tối ưu cho mắc ca kinh doanh 6 – 6,5).

Định lượng phân bón cho mắc ca 4-5 năm tuổi:

+ Phân hữu cơ ủ hoai mục (ủ theo quy trình chuẩn): 20-40kg/cây.

+ Lân Super P2O5 16-21%: 1-1,5kg/cây.

+ NPK 13-13-13 TE: 200-250g/cây hoặc NPK 16-16-16 TE: 180-200g/cây.

Ghi chú: Lượng phân bón tăng dần theo tuổi cây và sản lượng quả vụ trước đó.

Hỗn hợp phân trên trộn đều với nhau và trộn đều với đất mặt trước khi lấp rãnh, không bón trực tiếp phân xuống rãnh, chú ý sau khi bón phân xong không  tưới nước ngay.

Yêu cầu kỹ thuật của phân khoáng NPK chuyên dùng cho mắc ca thời kỳ kinh doanh: Phân bón cho mắc ca kinh doanh cần có tỷ lệ NPK cân đối và có chứa đầy đủ các yếu tố trung vi lượng (B, Ca, Si, Mg, S, Zn, Mo, Cu). Do chúng có ảnh hưởng đến quá trình phân hóa mầm hoa, phát triển mầm hoa và tỷ lệ đậu quả của mắc ca.

Vào những năm mưa kéo dài, mưa kết thúc muộn, độ ẩm đất cao, bón phân không cân đối tỷ lệ NPK và trung vi lượng có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng cành lộc. Các cành mẹ mang quả thường già hóa muộn, tơ cành do đó cần thực hiện thêm các biện pháp xử lý giúp cho cành sinh dưỡng chuyển sang sinh trưởng sinh thực.

2.2 Kỹ thuật xử lý mắc ca ra hoa đồng loạt, đúng thời điểm

Dùng 500ml chế phẩm Shellac Suger pha 200-300 lít nước phun đều 2 mặt lá, phun 2 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày (Shellac Suger giúp cân bằng tỷ lệ C/N đầu cành, hạn chế sinh trưởng sinh dưỡng, giúp cành già hóa nhanh, thúc đẩy quá trình phân hóa mầm hoa vào tháng 12 đến đầu tháng 1 năm sau).

Kết luận: các biện pháp xử lý ra hoa cho mắc ca năm 4

+ Chủ động có kế hoạch bón phân cân đối hợp lý ở năm 3 (sử dụng phân NPK 16-16-8 và 13-13-13 hợp lý, không bón phân quá muộn và kéo dài, nên bón tập trung thành từng đợt).

+ Điều tiết các đợt sinh trưởng cành cân đối hợp lý, trước khi bắt quả năm 4, năm thứ 3 cần phải phát triển được ít nhất 3-4 đợt cành.

+ Kết hợp phương pháp cắt tỉa tạo tán, chú ý định hướng và giữ lại các cành mẹ mang quả.

+ Áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp.

+ Sử dụng các biện pháp tác động cơ giới kết hợp bón phân lót ủ mầm hoa.

+ Đưa cây vào trạng thái ngủ nghỉ ủ mầm hoa thông qua các biện pháp cơ giới và phun chế phẩm Shellac Suger (nếu thấy cần thiết).

Phần 3: Kỹ thuật chăm sóc mắc ca kinh doanh thời kỳ phân hóa mầm hoa, phát triển chùm hoa tự

3.1 Chăm sóc mắc ca thời kỳ phân hóa mầm hoa

Thời kỳ này thường xuyên kiểm tra, quan sát tại các nách lá. Nếu thấy nách lá có xuất hiện phân hóa mầm hoa, mầm hoa bắt đầu nhú cần triển khai tưới nước giữ ẩm thường xuyên. Độ ẩm đất duy trì 75-90%, tính từ thời điểm mầm hoa mới nhú, tuần đầu tiên có thể tưới nước thúc mạnh, đến khi mầm hoa phát triển 5-7cm tiếp tục duy trì độ ẩm đất tuy nhiên giảm dần so với thời điểm đầu (bắt đầu nhú mầm hoa). Ngoài ra để thúc đẩy mầm hoa phân hóa đồng loạt, thời điểm mầm hoa mới nhú tại nách lá, chúng ta có thể bón bổ sung thêm 300-500g phân lân Super P2O5 (bón mặt kết hợp theo nước duy trì độ ẩm đất ổn định).

3.2 Chăm sóc mắc ca thời kỳ phát triển mầm hoa, hoàn thiện chùm hoa tự

+ Duy trì độ ẩm đất, tưới nước định kỳ (độ ẩm đất 75 – 80%). Lưu ý không để cây thiếu nước thời kỳ này. Thiếu nước chùm hoa thường nhỏ ngắn, uốn cong, dị dạng, tỷ lệ thụ phấn và tỷ lệ đậu quả giảm rõ rệt.

+ Thúc đẩy chùm hoa phát triển to khỏe, nâng cao sức sống hạt phấn, tăng tỷ lệ thụ phấn và đậu quả: Dùng 500ml chế phẩm Shellac Suger kết hợp 500ml nano Canxi Super pha với 300-400 lít nước phun đều tán lá, phun kỹ 2 mặt lá, phun 2 lần, cách nhau 7-10 ngày/lần. Có thể bổ sung thêm nano Silic SiO2 (tăng sức đề kháng hạt phấn, nâng cao tỷ lệ đậu quả).

+ Phòng trị sâu bệnh tổng hợp từ thời kỳ phân hóa mầm hoa đến trước khi hoa nở rộ (thời kỳ tung phấn, thụ phấn, đậu quả non): Thời kỳ phân hóa mầm hoa trở đi, mắc ca thường bị sâu bệnh tấn công. 

Phần 4: Kỹ thuật chăm sóc mắc ca kinh doanh thời kỳ hoa rộ, đậu quả non

4.1 Giải pháp chống rụng hoa và quả non trên mắc ca

Tùy điều kiện khí hậu, điều kiện sinh thái từng vùng để lựa chọn phương án chăm sóc hợp lý với mục tiêu chống rụng quả non, đạt tỷ lệ đậu quả tối ưu, phù hợp với sức sinh trưởng của từng dòng, từng cây. Thời kỳ này chúng ta chia làm 2 trường hợp:

Trường hợp 1: Thời kỳ tắt hoa, đậu quả non gặp điều kiện thời tiết bất lợi (mưa ẩm, mưa acid, tỷ lệ nhiễm nấm thán thư, nấm cuống cao)

Dùng 70-80ml nano Bạc Đồng Super kết hợp 40-60ml nano Canxi Cacbonate cộng thêm 30ml Shellac Suger pha với 20-25 lít nước phun đều tán lá, phun kỹ 2 mặt lá, phun định kỳ, cách nhau 7 ngày/lần.

Trường hợp 2: Thời kỳ tắt hoa, đậu quả non gặp điều kiện thời tiết thuận lợi

Dùng 50-60ml nano Bạc Đồng Super kết hợp 30-40ml nano Canxi Super pha 20-25 lít nước phun đều tán lá, định kỳ 7-10 ngày/lần, phun 2 lần.

4.2 Phòng trị sâu bệnh tổng hợp trên mắc ca kinh doanh giai đoạn hoa rộ, đậu quả non

Phòng trừ sâu hại và côn trùng chích hút: Phòng trị kiến, sâu đục cuống, sâu đục quả, côn trùng chích hút (nhện, rệp sáp, rệp muội, rầy, bọ trĩ,...). Sử dụng luân phiên các hoạt chất sau, phun phòng trước khi hoa nở (Permethrin, Quinalphos, Alpha Cypermethrin, Chlorfenapyr kết hợp Thiamethoxam, Imidacloprid, Etofenprox, Emamectin benzoate,…).

Phòng trị bệnh hại: Nấm thán thư, nấm mốc, nấm cuống, bệnh đốm đen quả. Đối với nấm khuẩn gây bệnh hại hoa và quả non nên sử dụng chế phẩm nano bạc đồng super kết hợp nano đồng oxyclorua theo tỷ lệ 3/1: Dùng 70ml nano bạc đồng super kết hợp 20-30ml nano đồng oxyclorua pha 15-20 lít nước phun đều tán lá, phun 1-2 lần, cách nhau 7-10 ngày/lần. Nano bạc đồng, nano đồng oxyclorua có tác dụng diệt nấm khuẩn hại hoa và quả non, không gây độc hại đối với hoa quả non mắc ca, chống kháng thuốc tốt, thân thiện với môi trường, không tiêu diệt ong mật và các nhóm thiên địch có ích.

Ghi chú: Cần phải đảm bảo cây mắc ca sạch sâu bệnh trước khi bước vào thời kỳ hoa rộ, đậu quả non.

Ưu điểm vượt trội của công nghệ nano ứng dụng trên mắc ca kinh doanh(thời kỳ ra hoa đậu quả non):

Một trong những nguyên nhân gây rụng hoa, quả non đó là sự tấn công của nấm khuẩn gây bệnh. Nấm khuẩn tấn công trực tiếp vào cấu trúc hoa, cuống hoa và bề mặt vỏ quả non. Chỉ sau một thời gian ngắn khiến cuống bị thối, teo và rụng hoàn toàn, hơn nữa cấu trúc hoa và cuống hoa của mắc ca rất mảnh và yếu. Do đó việc sử dụng thuốc hóa học độc hại phun thời kỳ này tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc và làm cho hoa quả non rụng hàng loạt khó kiểm soát.

Nano Bạc Đồng Super, nano Đồng Oxyclorua là dòng chế phẩm được sản xuất theo công nghệ nano tiên tiến. Với cấu trúc hạt nano dạng hợp kim của Ag/Cu, có kích thước hạt nano siêu nhỏ bé (3-5nm), giúp chúng tiêu diệt nhanh, mạnh, triệt để, phổ rộng. Đặc biệt các hạt nano bạc đồng hợp kim không độc hại đối với người, động vật máu nóng, thân thiện với môi trường, khi sử dụng không gây ngộ độc cho hoa, quả non mắc ca, đảm bảo mục tiêu: phòng trị bệnh do nấm khuẩn gây hại hoa-quả non mắc ca, đảm bảo không có tác dụng phụ, không gây ngộ độc cây, an toàn khi sử dụng. Tùy mức độ nhiễm bệnh, nguyên nhân gây bệnh để có phương án sử dụng nồng độ liều lượng phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn phát triển của cây mắc ca. Ngoài ra nano bạc đồng, nano đồng oxyclorua không kháng thuốc nên có thể sử dụng định kỳ, thường xuyên nhiều vụ mà không cần thay thế thuốc khác.

Phần 5: Chế độ dinh dưỡng và nước tưới cho mắc ca thời kỳ phân hóa mầm hoa, phát triển cấu trúc chùm hoa tự, thời kỳ đậu quả non

Tỷ lệ đậu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố kỹ thuật trong quá trình chăm sóc mắc ca kinh doanh. Điều kiện cần ở đây là cây phân hóa mầm hoa đều, hoa trổ thoát, chùm hoa to khỏe, cuống lan đều, chùm hoa đủ dài, không uốn móc dị dạng. Để đạt được yêu cầu trên, chúng ta cần thực hiện đồng bộ, liên tục các giải pháp kỹ thuật sau:

Một là: Có chế độ chăm sóc hợp lý sao cho cây phát triển cân đối, khỏe mạnh trước khi bước vào giai đoạn ủ mầm hoa (không sâu bệnh, bộ rễ khỏe mạnh).

Hai là: Các đợt lộc cành cần được nuôi thành thục, tập trung theo đợt. Đợt cành thu cần nuôi tập trung và đồng đều, kết hợp thực hiện các giải pháp đưa cây vào trạng thái ngủ nghỉ ít nhất 30-45 ngày trước khi phân hóa mầm hoa (khu vực tây bắc vào tháng 11-12), hạn chế tình trạng phát sinh lộc đông đồng loạt (cho phép ở tỷ lệ dưới 15-20%).

Ba là: Chế độ phân bón cân đối, hợp lý, bón theo nhu cầu dinh dưỡng của cây, bón đúng thời điểm, đúng kỹ thuật.

Bốn là: Chế độ nước tưới hợp lý, duy trì độ ẩm đất phù hợp với từng thời kỳ phát triển của cây. Thời kỳ cây mắc ca bắt đầu nhú mầm hoa cần tưới nước ngay, thiếu nước thời điểm này làm cho mầm hoa phát triển không đều, chùm hoa ngắn, nhỏ, uốn móc, dị dạng. Nước có vai trò quan trọng trong việc hòa tan và hấp thu dinh dưỡng nuôi cây, có liên quan đến quá trình hô hấp của rễ. Do đó hàng năm cần phải bổ sung phân hữu cơ, cải tạo đất, giúp đất tơi xốp, bộ rễ phát triển khỏe mạnh.

Các chất dinh dưỡng khoáng muốn đi vào cây phải được hấp thu trên bề mặt rễ theo phương thức trao đổi ion giữa dung dịch đất và lông hút. Oxy trong đất được bộ rễ hấp thu để thực hiện phản ứng hô hấp, đồng thời thải ra khí CO2, lúc này CO2 kết hợp với nước trong đất tạo thành acid yếu H2CO3, do H2CO3 là acid yếu nên lập tức bị phân ly thành H+ và HCO3-.

CO2   + H2O -> H2CO3 --> H+   +  HCO3-

Ion H+ chính là nguyên liệu để thực hiện phản ứng trao đổi với các cation, còn HCO3- trao đổi với các anion trong đất. Bản chất của quá trình hấp thu dinh dưỡng qua bộ rễ chính là sự trao đổi ion giữa bề mặt lông hút bộ rễ với dung dịch đất. Do đó để cây mắc ca phát triển cân đối, khỏe mạnh, hoa to khỏe, chức năng hạt phấn tốt cần thực hiện các biện pháp bón phân cân đối giữa phân vô cơ và hữu cơ, duy trì nước tưới hợp lý. Tuy nhiên cần lưu ý rằng thời kỳ tắt hoa, đậu quả non lượng nước tưới giảm dần so với thời điểm đầu phân hóa mầm hoa (thừa ẩm thời kỳ quả non cũng có thể gây rụng quả, do phản ứng tăng cường hình thành tầng rời cuống). Rất nhiều trường hợp chúng tôi quan sát thấy rằng các bông hoa trên chùm hoa tự rụng trước thời điểm thụ phấn, hoặc có thể thụ phấn được nhưng quá trình thụ tinh không hoàn thành do đó quả non không hình thành khiến phần lớn hoa rụng hàng loạt trước khi có quả non.

Khi mắc ca bắt đầu bước vào giai đoạn phân hóa mầm hoa, thời điểm này nhu cầu dinh dưỡng của cây mắc ca khác với các giai đoạn trước đó. Mắc ca mang đặc điểm chung của họ Protaceae có rễ cọc kém phát triển, về cơ bản Mắc ca có kiểu rễ cụm dạng rễ chùm(rễ hút, rễ tơ mảnh yếu, cộng sinh kém với hệ vi sinh vật trong đất, dễ bị tổn thương bởi nấm phytophthora). Chính vì vậy việc bón phân ở cuối năm 3 rất quan trọng, từ khâu tác động cơ giới, phá váng, tạo rãnh, bón phân phải làm đúng kỹ thuật, đúng thời điểm, hạn chế tổn thương cơ giới bộ rễ kết hợp bón phân cân đối hợp lý, theo nhu cầu cây.

Thời kỳ mắc ca phân hóa mầm hoa cần phải duy trì độ ẩm đất thường xuyên, phù hợp, không để cây thiếu nước. Ngoài việc bón phân hữu cơ và NPK nên kết hợp bổ sung dinh dưỡng khoáng nano qua lá cho mắc ca ở thời kỳ phân hóa mầm hoa, phát triển mầm hoa (trước khi hoa rộ) với mục tiêu chăm sóc, thúc đẩy quá trình phân hóa mầm hoa đồng đều, giúp cho hoa phát triển to khỏe, nâng cao sức sống hạt phấn, tăng tỷ lệ thụ phấn chéo.

Lá mắc ca có cấu trúc 2 mặt khác nhau, lỗ khí khổng và thủy khổng phân bố không đồng đều ở cả 2 mặt, lá có lớp cutin bảo vệ khá dày, sức căng bề mặt lớn (đặc biệt là mặt trên lá) do đó phân bón dạng Chelate thông thường khi phun qua lá sẽ không đạt hiệu quả hấp thu tối ưu. Vì vậy để nâng cao hiệu suất hấp thu dinh dưỡng qua lá, nên sử dụng các dòng chế phẩm dinh dưỡng cho cây ở dạng nano dễ hấp thu(được nghiên cứu chuyên dùng theo nhu cầu của mắc ca). Các hạt nano có kích thước siêu nhỏ bé, có thể bám trên các kẽ lá, hấp thu nhanh qua khí khổng và thủy khổng, không bị kết tủa mặt lá, hiệu suất hấp thu dinh dưỡng cao hơn, tốc độ hấp thu cũng lớn hơn so với các dạng phân bón lá được sản xuất theo công nghệ truyền thống (đáp ứng kịp thời nhu cầu dinh dưỡng của mắc ca thời kỳ phân hóa mầm hoa – đậu quả non). Điều khác biệt ở đây là dinh dưỡng trung vi lượng được tạo ra ở kích thước nanomet (nm) giúp cho cây hấp thụ qua lá tốt hơn, hiệu suất cao hơn, kịp thời hơn. Ngoài ra việc sử dụng phun qua lá làm cho dinh dưỡng được vận chuyển nhanh hơn về cuống quả, giúp cuống quả phát triển ổn định, quả non đồng đều. Do đó việc xác định nhu cầu dinh dưỡng của mắc ca thời kỳ phân hóa mầm hoa đến đậu quả non rất quan trọng.

Qua theo dõi thực tế tại Điện Biên, thời kỳ ra hoa đậu quả nấm bệnh tấn công kết hợp với việc mất cân đối dinh dưỡng, thiếu các nguyên tố trung vi lượng sẽ làm cho cuống mắc ca bị teo nhanh, hình thành tầng rời và rụng chỉ sau 1-3 ngày (tính từ thời điểm rụng cánh hoa). Xuất phát từ thực tế trên, tôi đã xây dựng công thức nghiên cứu, có so sánh đánh giá giữa các công thức bón phân (qua gốc và lá), kết hợp ứng dụng công nghệ nano ở thời kỳ phân hóa mầm hoa, ra hoa, đậu quả. Sau 3 vụ liên tiếp triển khai, bước đầu đã cho hiệu quả khác biệt. Ở công thức nghiên cứu, tỷ lệ đậu quả và giữ quả cao hơn (ở dòng 816, 246, OC, 695, 842, 849), tỷ lệ đậu quả giai đoạn 1-2 cao hơn 50-80% so với công thức đối chứng (cuống quả phát triển lan đều, hạn chế nấm đen cuống, thối cuống, quả bóng khỏe, hiện tượng nứt dọc cuống và nứt quả rất thấp không đáng kể, không có ý nghĩa thống kê).

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO NANOTECH

Tư vấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ nano trong nông nghiệp:

ThS Phạm Công Khải - Hotline: 0976 804 678 * 0835 99 85 99

Email: nanobacsuper@gmail.com