Kỹ thuật chăm sóc cà phê

I – Nguồn gốc

Cây cà phê có nguồn gốc mọc trong rừng châu Phi, trên cao nguyên Kaffa của Ethiopia (ở độ cao 1370-1830 m). Từ đó cây cà phê được con người phát hiện và di canh đến các địa lục khác.

Ở Việt Nam, cây cà phê do các cha đạo người Pháp mang đến để trồng làm cảnh từ những năm 1857. Từ năm 1930, cây cà phê bắt đầu được trồng thành những đồn điền để khai thác nhân.

Từ đó đến nay, diện tích, năng suất, sản lượng cà phê ở nước ta không ngừng tăng lên.

II - Đặc điểm nông học và yêu cầu ngoại cảnh

2.1 Đặc điểm thực vật học

2.1.1 Rễ

Cây cà phê có 3 loại rễ:

*Rễ cọc: Rễ có độ dài từ 0,3-0,5 m mọc từ thân chính. Nhiệm vụ chính là dùng làm trục giữ thân tránh đỗ ngã.

*Rễ nhánh

Là những rễ nhánh mọc ra từ rễ cọc, ăn sâu vào đất để hút nước. Rễ nhánh có thể ăn sâu xuống đất tới 1,2- 1,5 m. Rễ nhánh càng ăn sâu, khả năng hút nước và chịu hạn càng tốt. Các rễ   bên mọc từ rễ nhánh phát triển ra xung quanh hành hệ thống rễ con.

*Rễ con:

Sự phát triển của rễ con phụ thuộc vào độ dày của tầng đất canh tác, giống cà phê, chế độ bón phân, tưới nước, canh tác. Hệ thống rễ này hầu hết tập trung ở tầng đất mặt (Từ 0-30 cm). Nhiệm vụ chủ yếu là hút chất dinh dưỡng và nuôi cây.

2.1.2 Thân cành

Cây cà phê thân gỗ, nếu để cây phát triển tự do có thể cao tới hàng chục mét. Cành mọc từ thân chính gọi là cành cơ bản (cành cấp 1), cành mọc từ cành cấp 1 gọi là cành thứ cấp (cành cấp 2). Trong điều kiện chăm sóc tốt, các cành cơ bản của cây cà phê bắt đầu xuất hiện sau trồng 20 – 40 ngày.

2.1.3

Đối với cà phê vối, lá có tuổi thọ từ 7 – 10 tháng. Các tác động về thời tiết hoặc chế độ dinh dưỡng không tốt có thể làm cho lá rụng sớm hơn. Cành và lá có tương quan chặt chẽ với năng suất cà phê. Các nghiên cứu chứng tỏ rằng lá, cành và thân cà phê là nơi dự trữ các nguồn dinh dưỡng để tạo hoa và nuôi dưỡng sự phát triển của quả. Lượng tinh bột hình thành trong quá trình quang hợp của lá sẽ được tích lũy trong lá và hệ thống mô của cây, nếu lượng này suy giảm sẽ dẫn đến hiện tượng rụng hoa, quả và cho hạt nhỏ, năng suất thấp. Đây chính là yếu tố cần quan tâm trong quá trình chăm sóc cây cà phê để đạt năng suất cao.

2.1.4 Hoa

Hoa cà phê mọc ra ở các chồi nách lá của cành sơ cấp và cành thứ cấp. Hoa cà phê thường nở về đêm và nở hết khoảng 4-5 giờ sáng. Cà phê vối (Robusta) thụ phấn chéo(giao phấn) là chủ yếu, đặc tính này phụ thuộc rất nhiều vào gió và côn trùng, vì vậy việc nuôi ong mật trong vườn cây cà phê cũng là biện pháp tăng tỷ lệ đậu quả của cà phê.

Cà phê vối không ra hoa lại ở những đoạn cành (hoặc nách lá) đã ra hoa năm trước.

2.1.5 Quả

Sau khi thụ phấn, quả phát triển nhanh, thường quả cà phê có 1-2 nhân (tùy theo lượng nước tưới và chế độ dinh dưỡng). Thời gian sinh trưởng đối với quả cà phê vối thường từ 9-11 tháng (tuỳ theo điều kiện chăm sóc).

2.2 Yêu cầu điều kiện ngoại cảnh

2.2.1 Nhiệt độ: Cây cà phê vối sinh trưởng phát triển thích hợp nhất ở nhiệt độ từ 22 – 26o C.

2.2.2 Ánh sáng: cây cà phê vối thích hợp ánh sáng trực xạ yếu, do đó cần trồng cây che bóng để điều hòa ánh sáng cho vườn cây cà phê hợp lý đặc biệt là giai đoạn kiết thiết cơ bản.

2.2.3 Ẩm độ: Cây cà phê (Vối) thích hợp trong điều kiện ẩm độ cao, gần như bão hòa.

2.2.4 Lượng mưa: Cây cà phê sinh trưởng phát triển tốt ở những vùng có lượng mưa hàng năm 1800 - 2000 mm, có một mùa khô ngắn vào cuối và sau vụ thu hoạch để phân hóa mầm hoa.

2.2.5 Gió: Gió nóng, lạnh hay gió mạnh đều gây ảnh hưởng cho sinh trưởng phát triển cây cà phê. Khi lập vườn cần trồng cây chắn gió phù hợp cho vườn cà phê.

2.2.6 Đất đai: Cây cà phê không đòi hỏi khắt khe về đất, nó có thể phát triển tốt trên nhiều loại đất khác nhau như: Đất nâu đỏ, nâu vàng hoặc đất xám …. Trong đó, đất đỏ bazan cây cà phê sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Yêu cầu cơ bản là có tầng đất mặt sâu từ 70 cm trở lên, có thành phần cơ giới trung bình đến hơi nặng (Đất thịt nhẹ- sét).

III – Giống

Cây cà phê là loại cây công nghiệp nhiệt đới dài ngày, có 3 giống chính: Cà phê chè (Arabica), cà phê vối (Robusta), cà phê mít (Excelsa). Song ở nước ta chủ yếu là hai giống cà phê chè và cà phê vối chiếm hầu hết diện tích ở các tỉnh Tây Nguyên. Cà phê chè ưa sống ở vùng lạnh có độ cao từ 600-800 mét, nhiệt độ thích hợp 19-230C. Cà phê vối thích nghi với địa hình thấp, khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ bình quân 22-260C. Cà phê thích hợp trên đất có tầng dầy và tơi xốp, dễ thoát nước.

Ơ Đồng Nai thích hợp trồng giống cà phê vối ( Robusta).

Hiện nay, Viện Nông Nghiệp Tây Nguyên đã chọn lọc và đưa ra sản xuất nhiều dòng cà phê. Đó là các dòng:

-Dòng TR5: cây sinh trưởng khoẻ, năng suất đạt 3,5 tấn/ha. Trọng lượng 100 nhân đạt 20,6 gram( giống củ chỉ đạt 13-14 gram/100 nhân)

-Dòng TR6: cây sinh trưởng khỏe, kháng rỉ sắt rất cao, năng suất đạt 5,6 tấn/ha. Trọng lượng 100 nhân đạt 17,5 gram.

-Dòng TR4: Cây sinh trưởng khoẻ, kháng rỉ sắt, phân nhiều cành, cành ngang hơi rũ, năng suất đạt 7,3 tấn/ha. Trọng lượng 100 nhân đạt 17,1 gram.

-Dòng TR8: cây sinh trưởng khỏe, kháng rỉ sắt, phân cành trung bình, năng suất đạt 4,2 tấn/ha. Trọng lượng 100 nhân đạt 17,6 gram.

IV - Kỹ thuật nhân giống

4.1 Chọn cây lấy hạt giống:

Chọn cây đã cho trái 6-8 năm, năng suất cao và ổn định, kháng sâu bệnh, dạng hình dẹp. Chọn trái chín có hai nhân phát triển cân đối.

4.2 Xử lý hạt giống và gieo hạt

Hạt đã nẫy mầm đem gieo vào bầu đất trong túi nhựa PE (kích thước túi 17×25cm, có đục 8 lỗ nhỏ 0,5cm phía gần đáy).

Đất trong bầu là đất mặt tốt, tơi xốp, hàm lượng mùn trên 3%. Dọn sạch lớp cây cỏ, cây và vật lạ trên mặt, lấy lớp đất màu trong độ sâu 10 cm làm đất nhỏ, trộn đều với phân hữu cơ thật hoai và phân lân. Hổn hợp đất phân được sàng qua lưới sàng 5mm, phần không qua sàng tiếp tục làm nhỏ và sàng trở lại.

Bầu phải chặt, cân đối, thẳng đứng, chừa miệng bầu từ 0,5-1cm đã rãi trấu hoặc mùn cưa sau khi đã ương hạt. Trước khi gieo hạt vào bầu hạt giống phải được xử lý cho nẩy mầm theo trình tự sau:

- Hòa nước vôi theo tỉ lệ 1kg vôi/50 lít nước để lắng gạn lấy phần nước trong, đem đun nóng đến 54 - 60oC (3 phần nước sôi 2 phần nước lạnh) và cho hạt giống vào ngâm trong 18 giờ, sau đó với ra đãi hết nhớt bằng nước sạch.

- Ủ hạt giống trong luống chìm rộng 1-1,2m, sâu 0,6-0,8m kể từ đáy luống lên có những bước sau:

+ Thân lá xanh còn tươi (20-25cm)

+ Phân chuồng chưa hoai (20-25cm)

+ Lớp vôi mỏng (0,5kg/m2)

+ Lớp bao tải

+ Lớp hạt giống thời kỳ đầu dày chùng 10-15cm tưới đẩm nước (khi hạt bắt đầu nẩy mầm thì rảy mỏng từ 5-8cm)

+ Lớp bao tải khô.

+ Rơm khô (càng dày càng tốt).

+ Chung quanh khu luống ủ có vách cao 2m, có liếp che phía trên để mỏ được ban ngày, đậy lại ban đêm. Khi cây có 2 lá mầm tiến hành nhổ cây con, chọn những cây có một rễ đuôi chuột đem trồng vào bầu đã chuẩn bị ở vườn ươm.

4.3 Chăm sóc cây con:

– Tưới nước: Cây nhỏ tưới ít và nhiều lần, cây lớn tưới nhiều và ít lần trong ngày.
– Tưới phân thúc: tưới dung dịch urê và clorua kali theo tỷ lệ 2:1 (với nồng độ 1%), xen kẽ với dung dịch phân hữu cơ ngâm (phân trâu, bò, phân xanh, bánh dầu,…) cho hoai mục, cây nhỏ tưới loãng, cây lớn tưới đậm hơn.

– Chăm sóc: Nhổ cỏ, phá váng không để bầu ngập nước. Trong vườn ươm lưu ý bệnh lở cổ rễ và bệnh vàng lá.

– Đảo cây: cây con có 3-4 đôi lá thật, tiến hành đảo cây, xếp cây lớn vào giữa luống, cây nhỏ ở hai bên luống để cây phát triển đều. Lưu ý xếp thưa dần khi cây lớn.

* Chú ý: dỡ dàn che từ từ, khi cây đủ tiêu chuẩn cần dỡ bỏ dàn che hoàn toàn trước khi trồng mới 30 ngày.

4.4  Tiêu chuẩn cây giống:

a/ Cây nhân giống hữu tính

Cây con được ươm từ hạt trước khi trồng phải đạt các tiêu chuẩn sau:

  • Tuổi cây: 6-8 tháng.
  • Chiều cao thân kể từ mặt bầu: 25-35cm, thân mọc thẳng.
  • Số cập lá thật: 5-7.
  • Đường kính gốc: 3-4mm
  • Cây không bị sâu bệnh, dị hình và được luyện dưới ánh sáng hoàn toàn từ 10-15 ngày trước khi trồng.
  • Kích thước bầu đất: 14-15 x 24-25cm

b/ Cây ghép

  • Ngoài tiêu chuẩn cây thực sinh, cây ghép cần phải đạt:
  • Chồi ghép có chiều cao trên 10cm và có ít nhất 1 cặp lá phát triển hoàn chỉnh.
  • Chồi được ghép tối thiểu 1 tháng trước khi trồng.

4.5 Ghép cải tạo và nâng cấp vườn

Dùng chồi của những dòng cà phê cho năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh, ghép trên gốc cà phê xấu, đã được ứng dụng và cho kết quả tốt.

 

Tùy theo điều kiện khí hậu của từng vùng mà bố trí thời vụ cho thích hợp. Ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ mùa trồng cà phê thường bắt đầu khi mùa mưa được 20 -30 ngày từ tháng 5-7 hàng năm. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Trung bộ thời vụ trồng có thể từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm.

V - Nhu cầu và vai trò các chất dinh dưỡng với cây cà phê

Cà phê là cây có nhu cầu dinh dưỡng cao, trong đó cao nhất là kali sau đó là đạm. Lượng dinh dưỡng cà phê hút/lấy đi phụ thuộc vào loài, giống và đất trồng. Với cà phê vối, trung bình để có 1 tấn nhân, cây đã lấy đi theo quả 34,2kg N + 6,1kg P2O5 + 46,9kg K2O + 4,1kg MgO + 4,3kg CaO và các trung vi lượng khác.

Cà phê có thể đưa lại năng suất cao khi được đáp ứng đầy đủ chế độ dinh dưỡng. Các nguyên tố đa lượng như đạm, lân kali là 3 yếu tố quan trọng cho sinh trưởng và phát triển cũng như kiến tạo năng suất.

Đạm là một nguyên tố quan trọng bậc nhất đối với cây cà phê. Đạm thúc đẩy quá trình quang hợp, khả năng phân cành, phát triển hệ rễ, hoa và quả sau này. Thiếu đạm cây có biểu hiện sinh trưởng còi cọc, lá toàn thân biến vàng. Thiếu đạm có nghĩa là thiếu vật chất cơ bản để hình thành tế bào nên khả năng sinh trưởng bị đình trệ, hàng loạt các quá trình sinh lý sinh hóa trong cây cũng bị ngưng trệ, diệp lục ít được hình thành nên làm lá chuyển vàng

Lân là nguyên tố cũng quan trọng không kém so với đạm. Lân có vai trò trong quá trình quang hợp, tích lũy các chất khô. Cây thiếu lân thì quá trình tổng hợp protein bị ngưng trệ và sự tích lũy đường saccaro xảy ra đồng thời. Cây thiếu lân lá bị nhỏ lại và bản lá bị hẹp và có xu hướng dựng đứng. Khi lá chưa biến sang mầu tía thì mầu lá bị tối lại so với cây có đủ lân. Thiếu lân cây sinh trưởng chậm lại và quá trình chín cũng bị kéo dài. Tuy nhiên thừa lân lại làm cho cây sử dụng lân tồi hơn, vì trong trường hợp này rất nhiều lân nằm ở dạng vô cơ, nhất là ở các bộ phận sinh trưởng

Kali là một nguyên tố rất linh động và tồn tại trong cây dưới dạng ion. Kali có vai trò tăng cường tính chống chịu của cây, tăng cường khả năng tổng hợp các hợp chất hydrat các bon. Khi thiếu kali, trái nhỏ, trái bị rụng nhiều, năng suất thấp, tỷ lệ nhân trên quả thấp. Thiếu kali thường biểu hiện rõ ở giai đoạn cuối mùa mưa vì lúc này cà phê tập trung dinh dưỡng nuôi trái, nhu cầu kali của cà phê tăng cao trong khi lượng bón kali thường không đủ. Biểu hiện thiếu kali có thể thấy là: Các lá già trở nên vàng sớm và bắt đầu từ bìa lá sau đó bìa lá và đầu lá có thể trở nên đốm vàng hoặc bạc, bìa lá chết và bị hủy hoại và lá có biểu hiện như bị rách.

VI - Triệu chứng thiếu hụt dinh dưỡng ở cây cà phê

 - Thiếu đạm: Cây sinh trưởng, phát triển kém, thấp cây, ít cành, ít chồi mới, lá nhỏ, mép lá chuyển vàng tới vàng úa, bắt đầu từ lá già trước, lá non sau, những vùng lá được che bóng bởi cây khác vẫn còn giữ được màu xanh. Thiếu đạm, đầu cành bị khô, lá già sẽ rụng dần để lại cành trơ trụi, quả dễ rụng, năng suất thấp, chất lượng cà phê giảm.

 - Thiếu lân: Triệu chứng thiếu lân thường xuất hiện rõ ở những lá già của cành mang nhiều quả. Lá có màu vàng chanh (thường xảy ra trong mùa thu), dần chuyển sang hồng, nếu thiếu nặng sẽ nổi màu đỏ xỉn đến nâu tím rồi chết. Sự chuyển màu ở lá bắt đầu từ đầu lá, sau lan dần ra toàn bộ lá, lá non có màu xanh tối, dễ rụng lá. Khi thiếu lân rễ cà phê kém phát triển, hóa gỗ yếu, hạn chế quá trình hình thành mầm hoa, số hoa ít, hoa nở không tập trung, tỷ lệ đậu quả kém, năng suất và chất lượng đều thấp.

 - Thiếu kali: Trên lá xuất hiện các đốm hoặc sọc vàng hơi đỏ, sau chuyển thành nâu đen và đan dọc rìa lá, lan từ chóp lá trở xuống, mép lá trở vào sau đó lá rụng dần. lá rụng hàng loại để lại cành trơ trụi nếu gặp gió mùa hơi lạnh ở đầu mùa khô. Thiếu kali quả rụng nhiều, quả nhỏ, quả một nhân nhiều, hạt lép, năng suất và chất lượng thấp.

 - Thiếu can xi: Chóp lá cong không đều vào phía trong, cây yếu dễ đổ ngã, gãy cành, rễ kém phát triển nên dễ bị sâu bệnh tấn công.

 - Thiếu magiê: Ban đầu các gân lá từ xanh sẫm chuyển thành các vệt màu xanh ôliu lan từ giữa lá ra phía ngoài. Xuất hiện những vệt vàng song song với gân chính, sau đó lan rộng ra. Vùng giữa các gân lá chuyển từ màu xanh ôliu sang xanh lá mạ rồi sang vàng và cuối cùng thành màu đồng thau, lá rụng nhiều, năng suất và chất lượng thấp. Thiếu magiê có thể là do đất thiếu magiê hoặc canh tác nhiều năm nhưng không bón phân có chứa Mg hoặc do bón quá nhiều Kali.

 - Thiếu lưu huỳnh: Các chùm lá cà phê non trên cùng chuyển từ xanh sẫm sang màu vàng nhạt, đặc biệt xuất hiện trên lá non, rìa (mép) lá bị uốn cong, lá giòn, dễ gãy, dễ rách và khô từ ngoài mép vào trong lá. Các lá già bị rụng nhiều, chỉ còn các lá non có màu vàng nhạt, năng suất và chất lượng đều giảm. Thiếu lưu huỳnh thường xuất hiện rõ ở các cây kiến thiết cơ bản. Thiếu lưu huỳnh có thể do đất thiếu lưu huỳnh hoặc do chỉ bón các loại phân không có S.

 - Thiếu kẽm: Lá nhỏ, hẹp bề ngang, hệ thống gân nổi trên nền lá xanh nhạt hoặc vàng. Chùm lá trên ngọn mọc sít nhau. Các chồi non phát triển chậm, không vươn ra được. Khi thiếu trầm trọng, lá bị chết và rụng. Thiếu kẽm làm cho cây cà phê không thể phát triển được, năng suất rất thấp dù có bón nhiều phân đa lượng.

 - Thiếu Bo: Các chồi non bị chết, lá non ra như cái quạt, lá biến dạng, một bên mép lá ngắn lại làm cho lá cong queo, bản lá hẹp và dài, chóp lá có màu xanh ôliu hoặc xanh vàng. Thiếu bo làm số hoa ít, tỷ lệ đậu quả thấp, quả non rụng nhiều, năng suất và chất lượng thấp. Sự thiếu hoặc thừa bo có quan hệ chặt chẽ với hàm lượng canxi trong lá. Nếu canxi trong lá cao thì mức độ ngộ độc bo giảm, ngược lại nếu hàm lượng canxi thấp thì dù nồng độ bo thấp cây cũng có thể bị ngộ độc.

 - Thiếu mangan: Các cặp lá trưởng thành trên đầu cành chuyển từ màu vàng sang xanh nhạt, hay từ xanh ô liu thành màu vàng có đốm trắng, lá rụng nhiều, Thiếu mangan dẫn tới năng suất thấp, chất lượng giảm.

Còn tiếp......