Điều kiện phát sinh dịch bệnh và các phương pháp chẩn đoán bệnh cây

1- Điều kiện cơ bản phát sinh dịch bệnh trên cây trồng

Dịch bệnh có thể hình thành và tiến triển dễ dàng khi có đầy đủ các điều kiện sau:

1.1 Về phía cây ký chủ: Phải có một số lượng lớn các giống cây ký chủ cảm nhiễm(số lượng hay diện tích trồng phải đủ lớn). Ngoài ra cần phải có giai đoạn mẫn cảm nhất của cây trùng với thời kỳ bệnh và có khả năng lây lan mạnh.

1.2 Về phía vi sinh vật gây bệnh: có nguồn bệnh tích lũy với lượng đủ lớn để gây ra bệnh, có khả năng sinh sản nhanh, truyền lan dễ dàng bằng nhiều con đường khác nhau. Nguồn bệnh có độc tính cao, sức sống mạnh

1.3 Về phía ngoại cảnh: có đầy đủ các yếu tố ngoại cảnh tạo thuận lợi cho nguồn bệnh phát sinh phát triển(nhiệt độ, ẩm độ…)

Các điều kiện trên phải xuất hiện đồng thời cùng một thời điểm thì mới dễ dàng tạo thành dịch bệnh.

Hiểu biết được cơ chế phát sinh phát triển của dịch bệnh sẽ giúp bà con phòng-trị bệnh một cách chủ động thông qua hạn chế các điều kiện phát sinh của dịch bệnh.

2- Các phương pháp chẩn đoán bệnh cây

2.1 Phương pháp chẩn đoán theo triệu chứng bên ngoài: Dựa vào đặc điểm riêng biệt của một loại bệnh do một nguyên nhân nào đó gây ra. Tức là căn cứ vào những triệu trứng bên ngoài thể hiện bằng các vết đốm lá có những đặc trưng điển hình về hình thái vết bệnh, màu sắc vết bệnh, vị trí và bộ phận bị bệnh mà chẩn đoán và xác định bệnh. Phương pháp này có ưu điểm là nhanh chóng tuy nhiên trong một số trường hợp rất dễ dẫn đến nhầm lẫn vì một số bệnh có triệu chứng bên ngoài tương đối giống nhau nhưng thực chất lại do nguồn bệnh khác nhau gây ra(vi sinh vật khác nhau). Ví dụ như bệnh: héo rũ, bệnh đốm lá, bệnh sinh lý và bệnh do virus có triệu chứng gần giống nhau). Do đó trong những trường hợp phức tạp cần có những phương pháp chẩn đoán bệnh khác bổ sung.

2.2 Phương pháp kiểm tra vi sinh vật gây bệnh trên cây: Phương pháp này cần lấy mẫu bệnh, mô bệnh để kiểm tra dưới kính hiển vi. Phương pháp này yêu cầu nắm vững các thao tác giải phẫu mô bệnh, nhuộm mô và ký sinh vật, sử dụng kính hiển vi. Vết bệnh do nấm gây ra nếu đã hình thành cơ quan sinh sản bào tử thì cần quan sát dưới kính hiển vi cũng đã phát hiện thấy. Đối với một số bệnh do nấm và vi khuẩn có thể dùng phương pháp nhuộm mô bệnh bằng thuốc nhuộm như Methylen, Nitrat bạc, KMnO4 hay Fucsin,… để phát hiện sợi nấm hoặc vi khuẩn ở trong mô bệnh. Một số bệnh do vi khuẩn khác có thể dùng phương pháp giọt dịch để chuẩn đoán nhanh tính chất bệnh lý mà không cần đến kính hiển vi. Đối với bệnh do Virus, Mycoplasma muốn phát hiện bệnh và quan sát hình thái Virus gây bệnh ở mô thực vật không thể dùng các phương pháp nói trên mà phải làm tiêu bane đặc biệt để quan sát dưới kính hiển vi điện tử với độ phóng đại hàng chục vạn lần thì mới quan sát cũng như chẩn đoán chính xác bệnh cây.

2.3 Phương pháp sinh học: Trong những trường hợp phức tạp cần tiến hành phân ly và cô lập mô bệnh cần chẩn đoán trên môi trường nhân tạo thích hợp bằng phương pháp cấy mô hoặc phương pháp pha loãng. Các loại môi trường thường dùng là môi trường bán tổng hợp ở thể đặc có thạch(agar) như môi trường bột ngô, khoai tây, pepton và một số loại môi trường lỏng chuyên dùng. Trong khi kiểm tra mô bệnh bằng kính hiển vi hoặc bằng phương pháp phân ly trên môi trường có thể gặp nhiều loại vi sinh vật hỗn tạp cùng tồn tại và xuất hiện ở đó cho nên cần phải giám định và lây bệnh nhân tạo trên cây khỏe cách ly để xác định một loại bệnh cây truyền nhiễm nào đó.

          Đối với chẩn đoán bệnh trên hạt giống ngoài phương pháp rửa, ly tâm để quan sát phát hiện dưới kính hiển vi còn có thể áp dụng phương pháp gieo cách ly để căn cứ vào sự xuất hiện triệu chứng trên cây non mới mọc mà chẩn đoán xác định bệnh trên hạt giống.

          Đối với bệnh do Virus có thể dùng phương pháp cây chỉ thị để chẩn đoán dựa trên cơ sở cây chỉ thị phản ứng rất đặc hiệu với một loại virus nhât định. Thí dụ với virus khảm thuốc lá là cây Nicotiana glutinosa có phản ứng rất đặc hiệu thể hiện bằng các vết đốm rõ rệt trên lá khi lây bệnh virus TMV; Cây chỉ thị để chẩn đoán bệnh virus X trên khoai tây là cây bách nhật Gomphrena globosa…

2.4 Phương pháp huyết thanh: Phương pháp huyết thanh dựa trên cơ sở có phản ứng kháng nguyên gặp kháng thể đặc hiệu với nó thì nó mới xảy ra phản ứng kết tủa vẩn hoặc phản ứng ngưng kết. Nói một cách khác khi virus, vi khuẩn hay nấm(kháng nguyên) được tiêm vào máu động vật(thỏ, chuột) thì có hiện tượng tích lũy trong đó những kháng thể đặc hiệu với nó có thể phản ứng kháng nguyên cho cơ thể động vật trở thành miễn dịch. Vì vậy lấy huyết thanh miễn dịch có chứa kháng thể đặc hiệu đối với một loại vi sinh vật gây bệnh nào đó bảo quản cất giữ trong một thời gian để sử dụng chẩn đoán bệnh cho cây trồng dựa vào sự xuất hiện của phản ứng kết tủa.

Th.S Phạm Công Khải